Hy Lạp sẽ đóng cửa các ngân hàng từ ngày hôm nay (29/6), nhằm ngăn cản các nhà đầu tư và người dân rút tiền hàng loạt sau tin Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB (European Central Bank) từ chối tăng khoản cho vay khẩn cấp tới Hy Lạp.
Việc ECB không đồng ý cho Hy Lạp vay thêm khoản vay cấp bách khiến cho lưu lượng rút tiền khỏi các ngân hàng tại Hy Lạp, vốn đã trên đà gia tăng trong cuối tuần vừa qua, có thể sẽ ồ ạt tăng mạnh trong ngày thứ Hai (29/6). Trước tình hình này, nhà nước Hy Lạp ra thông báo tạm thời đóng cửa tất cả các ngân hàng kể từ ngày 29/6. Song song với đó, lượng tiền rút của các cá nhân và tổ chức cũng sẽ bị hạn chế.
Đây là một quyết định gây sốc với nhiều người bởi nó cho thấy nguy cơ sụp đổ kinh tế Hy Lạp đang cảm thấy rõ ràng, chứ không chỉ là một khả năng được bàn đến. Tin Hy Lạp có thể sẽ không được các chủ nợ tiếp tục gửi trợ cấp tiền bạc khiến các nhà đầu tư, gồm cả các cá nhân và tổ chức, lo lắng cho tương lai tại Hy Lạp và kéo đi rút tiền trước khi nước này có thể sẽ bị đẩy khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu Euro (Eurozone). Một khi bị đẩy khỏi Eurozone, Hy Lạp sẽ phải in tiền mới. Dựa trên nền kinh tế hết sức ảm đạm hiện nay, đồng tiền mới của Hy Lạp sẽ có giá trị rất thấp so với đồng Euro. Như vậy, để tránh trắng tay, hành động của các chủ tài khoản tại các ngân hàng Hy Lạp là rất dễ hiểu.
Tuy nhiên, hành động phòng bị của các chủ tài khoản có thể sẽ giết chết nền kinh tế Hy Lạp. Còn nhớ vào năm 2008, tin tức thị trường tài chính Mỹ có thể đang gặp rắc rối, cộng thêm sự phá sản đột ngột của ngân hàng Lehman Brothers đã khiến người dân Mỹ tán loạn đi rút tiền, làm đóng băng thị trường và tạo nên khủng hoảng tài chính. Tương tự, nếu không có biện pháp ngăn chặn, các chủ tài khoản sẽ làm kinh tế Hy Lạp sụp đổ trước khi nước này kịp gặp nguy vì vỡ nợ.
Nước đi của chính phủ Hy Lạp gợi nhớ đến hành động của Cyprus vào năm 2013, khi quốc gia này cũng tạm thời đóng cửa các ngân hàng và hạn chế lưu thông tiền tệ trong nước. Tuy nhiên, trong khi Cyprus hành động dưới sự thống nhất với các quốc gia châu Âu khác trong lúc chờ trợ cấp tài chính, Hy Lạp lại đóng cửa các nhà băng vì không thể đạt được thoả thuận gia hạn cho vay với các chủ nợ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Hy Lạp Yannis Stournaras cho biết, chính phủ Hy Lạp sẽ “viện đến mọi biện pháp để đảm bảo ổn định tài chính cho công dân Hy Lạp trong tình hình khó khăn hiện nay.”
Hiện giờ, vẫn còn một cơ hội cuối cho Hy Lạp và các chủ nợ - bao gồm Ngân hàng châu Âu ECB, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và các quốc gia Eurozone khác – đạt được thoả thuận trước khi chương trình giải cứu tiền tệ hiện tại hết hạn vào ngày thứ Ba. Trong ngày Chủ Nhật vừa qua (28/6), cả ECB và IMF đều xác nhận khả năng đạt thoả thuận vẫn còn ngỏ.
Đặc biệt, Hội đồng châu Âu, nhánh hành pháp của Liên minh châu Âu EU và một bên trung gian trong thoả thuận giữa Hy Lạp và các chủ nợ, đã thông báo rộng rãi đến người dân Hy Lạp các điều khoản hỗ trợ tài chính trước khi Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras chấm dứt đàm phán và thông báo trưng cầu dân ý.
Một phát ngôn viên yêu cầu giấu tên của Hội đồng châu Âu cho biết, “Đây là cây cầu cuối chúng tôi xây cho họ.” Bản thông báo của Hội đồng châu Âu cho thấy những ưu ái của châu Âu với Hy Lạp nhằm hướng người dân Hy Lạp đến quyết định chấp nhận các yêu cầu của các chủ nợ, cải cách đất nước và nhận trợ cấp tài chính.
Tại Mỹ, Nhà Trắng cũng công khai việc Tổng thống Mỹ Barack Obama mới có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel để bàn về khủng hoảng nợ Hy Lạp vào Chủ Nhật vừa qua. Bản thông báo của Nhà Trắng cho biết: “Cả hai nhà lãnh đạo đều nhận thấy việc quan trọng là phải bằng mọi cách đưa Hy Lạp vào con đường cải cách và phát triển trở lại trong khu vực đồng tiền chung.”