Những người bán hàng rong tại thủ đô Bangkok của Thái Lan đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng mưu sinh, khi chính quyền tại các khu đô thị lớn tập trung triển khai giải phóng mặt bằng khai thông hè phố.
Động thái di dời hàng ngàn người bán hàng rong hoạt động trên các đường phố chính và những góc phố nhỏ cũng như hạn chế việc bán hàng rong vào buổi tối là một phần trong chiến dịch cải tạo vỉa hè, góp phần thay đổi hình ảnh Thái Lan theo chiều hướng tích cực.
Người dân tại Bangkok từ xa xưa đã có thói quen mở các tiệm kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ dọc trên các tuyến phố. Phần lớn hàng hóa là quần áo, thức ăn vặt, đồ lưu niệm… Đặc trưng cho những quán hàng rong là giá “cực” rẻ, nhiều mẫu mã, đa dạng, thu hút mọi lứa tuổi khách hàng. Tuy nhiên, chính vì sự linh hoạt của các quán hàng, cùng với số lượng lớn khách mua đã gây ra tình trạng ùn tắc, cản trở lưu thông trên các tuyến phố, đặc biệt là vào những giờ cao điểm.
“Chúng ta phải trả vỉa hè cho người đi bộ” là tuyên bố của giới chức Thái Lan trước hiện trạng ngày càng nhiều chủ gánh hàng rong “sở hữu” luôn cả vỉa hè khi kinh doanh. Chính quyền cho phép những người bán hàng rong tiếp tục hoạt động nếu như họ chuyển tới khu chợ riêng và tránh bán hàng vào những giờ cao điểm.
Bên cạnh mục đích giảm tải ách tắc giao thông, việc di dời các cửa hàng bán rong còn nhằm diệt trừ vấn nạn tham nhũng bắt nguồn từ thực trạng xuất hiện quá nhiều quán hàng rong không có giấy phép kinh doanh. Vào tháng 7 năm ngoái, một quan chức quân đội Thái Lan đã bị buộc tội vì cố ý thu tiền “bảo kê” của những cửa hàng ăn, quán bar và nhiều quán hàng rong. Theo số liệu của Tòa thị chính Bangkok, có khoảng 20.000 người bán hàng rong đăng kí với chính quyền, song có đến hàng nghìn cửa hàng hoạt động mà không có giấy phép.
Tuy nhiên, chính sách “dọn dẹp” các gánh hàng rong đang vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía những người lao động. Một cuộc khảo sát của chính phủ năm 2000 cho thấy hơn 400.000 người bán hàng rong tại Thái Lan thuộc tầng lớp có thu nhập thấp đến từ khu vực đông bắc nghèo đói ở quốc gia này.
Mongkol Moradokpermpun - một trong 3.000 người bán rong tại chợ Khlong Thom, sẽ phải di chuyển quán hàng của mình đến một khu vực cách đó vài km nếu muốn tiếp tục công việc mưu sinh. Người đàn ông 59 tuổi này cho biết: “Nếu như chính quyền không thay đổi quyết định của mình, hàng nghìn người như tôi sẽ lâm vào tình trạng khốn khó. Chính sách cấm bán hàng rong sẽ ảnh hưởng đến kế sinh nhai của người lao động, khiến cuộc sống gia đình của họ gặp nhiều vấn đề”.
Tại khu phố đông đúc Silom, bà chủ tiệm mỳ Juttigan Jitcham cho biết luật cấm bán hàng rong đã làm giảm thu nhập của bà đi một nửa. “Tôi không thể chi trả nổi tiền học phí cho con mình”, bà tâm sự.
Narumao Nirathon - giáo sư ngành quản lý xã hội của đại học Thammasat - cho biết trong khi cần hạn chế sự phát triển của các quán hàng rong để kiểm soát tình trạng tắc nghẽn giao thông và đảm bảo an ninh trật tự, chính quyền cần phải có một kế hoạch dài hơi hơn để giúp đỡ những người lao động. “Tôi lo ngại về những ảnh hưởng xấu đến tầng lớp người nghèo mà thu nhập chính của họ phụ thuộc vào việc bán hàng rong. Vỉa hè không chỉ dành cho người đi bộ, nó cũng cần cho những người phải bươn chải để kiếm sống” là suy nghĩ của giáo sư Nirathon. Ông cũng cho biết thêm Bangkok không bao giờ có thể giải quyết triệt để được vấn đề này vì hàng quán bán rong đã trở thành “một phần trong nét văn hóa của người Thái”.