Nepal thay đổi hiến pháp để tái kiến thiết sau thảm họa động đất

08:35, 10/06/2015

Nepal sẽ bắt đầu thể chế liên bang với 8 tỉnh lớn để thúc đẩy việc khắc phục hậu quả thảm hoạ động đất vào tháng 4 và 5 năm nay.  

Sau gần một thập kỷ tranh cãi các vấn đề về hiến pháp, vào thứ hai (8/6), các đảng lớn của Nepal đã nhất trí với việc thay đổi nhà nước thành thể chế liên bang. Đất nước Nepal sẽ được chia thành 8 tỉnh, mỗi tỉnh đều có chính phủ riêng gồm lãnh đạo đến từ tất cả các đảng lớn. Mục tiêu của thể chế mới này là kiến thiết giúp Nepal xây dựng lại đất nước sau các thảm hoạ động đất hồi tháng Tư và tháng Năm năm nay.

 

Việc thay đổi hiến pháp và thể chế nhà nước diễn ra quá gấp gáp do tác động đột ngột từ thiên tai khiến nhiều câu hỏi vẫn còn bị bỏ ngỏ. Cả 8 tỉnh mới của Nepal đều chưa được đặt tên và chưa được phân ranh giới rõ ràng. Nhân dân Nepal và các nhà quan sát lo ngại việc các dân tộc ít người ở Nepal sẽ bị phân tán hoặc không được trao quyền lợi xứng đáng.

 

Bốn đảng lớn nhất ở Nepal đã phê chuẩn kế hoạch hiến pháp mới, tuy nhiên nhiều đảng nhỏ vẫn đang phản đối quyết định này. Nhiều nhà quan sát lo ngại sự phản đổi sẽ lớn dần trong những ngày tới, gây ra bất ổn chính trị tại Nepal.

 

Mặc cho những phản ứng gay gắt từ nhiều chính khách đối lập, lãnh đạo nhà nước Nepal gọi việc sửa đổi hiến pháp lần này là một sự kiện lịch sử.

 

Kanak Mani Dixit (Ca-nắc Ma-ni Đi-xít), người sáng lập tạp chí Himal Southasian (Hi-man Nam Á) và là một nhà bình luận chính trị uy tín ở Nepal cho biết hiến pháp mới sẽ chấm dứt các tranh chấp chính trị kéo dài từ 2006 giữa các đảng phái ở Nepal, tạo điều kiện cho việc tái kiến thiết. Ông Dixit cho rằng hiến pháp mới, dù có nhiều lỗ hổng, chính là “điều tốt nhất có thể đạt được vào thời điểm này”.

 

Những điều được nhất trí vào ngày thứ Hai sẽ được chuyển lên Hội đồng Nhân dân Nepal để được phê chuẩn và viết thành dự luật. Hội đồng Nhân dân sau đó sẽ đặt ra một thời hạn cho các đóng góp từ nhân dân, trước khi dự luật được đem ra bầu thành hiến pháp chính thức. Chủ tịch đảng Cộng sản lớn nhất của Nepal, ông K. P. Sharma Oli (Sa-ma Ô-li), cho biết kết quả bầu sẽ có sớm nhất vào giữa tháng 7.

 

Sau khi có kết quả bầu, một nhóm chuyên gia của nhà nước liên bang sẽ đảm nhiệm nhiệm vụ phân chia ranh giới giữa 8 tỉnh – một quá trình có thể kéo dài nhiều năm.

 

Hiến pháp mới của Nepal cũng sẽ bao gồm một thể chế bầu cử mới – thể chế bầu cử hốn hợp. Theo đề xuất được nhất trí bởi 4 đảng lớn của Nepal, 60 phần trăm Hạ viện Nepal sẽ được bầu trực tiếp trong khi 40 phần trăm còn lại sẽ được chia theo tỷ lệ bầu cử. Phe đối lập trước đây tại Nepal đã từ bỏ yêu cầu đòi có một Tổng thống được bầu trực tiếp; thay vào đó, họ đã đồng ý với việc thành lập thể chế nghị viện.

 

Các nhà quan sát chính trị đều đồng ý quan điểm rằng các vụ động đất thảm hoạ năm 2015 chính là đòn bẩy cho quá trình cải tổ chính phủ lần này của Nepal.