Khi thấy tôi khoác trên người chiếc áo xanh màu lá cây, nhiều cụ già, em nhỏ ở xóm Tổ, xã Phượng Tiến (Định Hóa) đã ngờ tôi là tình nguyện viên Hàn Quốc.
Họ vui vẻ chào tôi bằng tiếng Hàn. Thấy tôi như... gà mắc tóc, đồng chí Nguyễn Văn Toản, Bí thư Chi bộ xóm giải thích: Hiện nhiều người dân của xóm đang học tiếng Hàn Quốc và đã bập bẹ trao đổi được với nhau. Lớp học do các tình nguyện viên Hàn Quốc dạy. Nói “sõi nhất” trong xóm là các cháu Vũ Thị Hoàng, Nguyễn Thị Bích Diệp, Nguyễn Thu Hoài và các cháu thuộc lớp trẻ.
Trưởng xóm Tổ, ông Bùi Văn Cường mới từ Hàn Quốc trở về nhà hôm 20-6. Ông xuýt xoa: Bên đó đang có dịch Mers, nên không đi thăm thú được nhiều, song dù sao đó cũng là một chuyến đi có ý nghĩa... Qua câu chuyện chúng tôi còn được biết: Huyện Định Hóa (Thái Nguyên) và huyện Cheongdo (Gyeongsangbuk) đã tổ chức làm lễ kết nghĩa từ tháng 12-2014. Xóm Tổ, xã Phượng Tiến là vùng quê còn nhiều khó khăn, được các tình nguyện viên Hàn Quốc lựa chọn giúp đỡ, đầu tư cơ sở vật chất và từng bước chuyển dịch tư duy sản xuất của người dân theo Đề án phát triển nông thôn, gọi là Saemaul, hoặc nông thôn mới được khởi xướng tại Hàn Quốc từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Theo đó, trong thời gian 5 năm, từ tháng 12-2014 đến tháng 12-2019, mỗi năm Saemaul sẽ đầu tư cho xóm Tổ 150.000 USD.
Xóm Tổ có 57 hộ và chia thành các chòm dân cư: Nạ Quang, Bại Quỳnh, Nạ Goải, Thẩm Gụa và Thẩm Phát. Do địa bàn xa xôi, giao thông khó khăn, nên đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Hiện xóm còn 12 hộ nghèo, chiếm hơn 21% tổng số hộ. Với xóm Tổ, Saemaul sẽ là một trong những cơ hội tốt nhất đưa bà con đến bến bờ no ấm.
Nhìn những mái nhà lợp lá ẩn khuất dưới tán cọ, ông Yea Bong - Su, Trưởng đoàn tình nguyện viên Saemaul Hàn Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Saemaul xóm Tổ đã nói: Bà con đang phải sống trong điều kiện hết sức khó khăn, công việc của tôi và các tình nguyện viên Hàn Quốc là giúp đỡ cho bà con nhanh chóng có cuộc sống tốt hơn.
Ông Yea Bong - Su về làm việc với bà con xóm Tổ từ tháng 12 - 2014 cho đến nay. Yea Bong - Su sống thắng thắn, ông không chấp nhận những giả dối của ai đó khi tham gia thi công công trình nhà văn hóa xóm và trục đường bê tông xóm. Quá trình thi công, ông trực tiếp giám sát, yêu cầu mọi người làm đúng quy trình kỹ thuật. Yea Bong - Su cũng không tiếc lời khen bà con nhân dân đã tích cực tham gia hiến đất làm đường, xây dựng nhà văn hóa hoặc có một hành động đẹp. Ông luôn miệng nói những câu khích lệ: “Chúng ta sẽ làm được”, ồ, “Chúng ta làm được rồi”. Cái chất giọng lơ lớ của ông làm không khí luôn vui vẻ, cởi mở. Ngay như cụ Nguyễn Văn Xiên và các cụ cao niên trong xóm cũng thấy vui khi chứng kiến Yea Bong - Su nói và làm việc. Cụ Xiên bảo: Mong con cháu trong xóm nhìn Yea Bong - Su làm mà học.
Từ cuối tháng 12-2014, Saemaul bắt đầu khởi động ở xóm Tổ. Ông Toản cùng bà con nhân dân họp bàn, thống nhất việc hiến đất, góp công làm đường. Ai nấy phấn chấn tham gia, riêng tuyến đường nội thôn, nhà ông Phùng Văn Long, ông Nguyễn Văn Chư và bà con xóm Tổ đã hiến được hơn 1.000m2 đất vườn, ruộng. Đặc biệt với công trình nhà văn hóa, 4 hộ: Nguyễn Văn Lành, Nguyễn Văn Tài, Nguyễn Văn Đạo và Nguyễn Tiến Ngọc đã hiến gần 1.000m2. Ông Yea Bong - Su nói hồn nhiên: Nhà văn hóa Saemaul và đường bê tông xóm Tổ có tổng kinh phí đầu tư là 2,14 tỷ đồng, trong đó 1,2 tỉ đồng xây dựng nhà văn hóa, 0,94 tỷ đồng xây dựng đường. Bạn nhìn xem, nhà văn hóa rộng 215m2, được xây dựng rất thiết thực, gồm 1 hội trường lớn, 1 phòng họp nhỏ, 1 thư viện và các công trình phụ trợ. Còn đường nội thôn được xây dựng kè đá, ống cống làm bằng xi măng, cát, sỏi. Chúng tôi đã cùng nhau mở rộng được con đường đất có nhiều đoạn từ hơn 1m trước đây, lên 2,5m bằng bê tông. Con đường do chính người dân xóm Tổ làm. Cảm ơn bà con xóm Tổ đã đổ nhiều mồ hôi, đã hoàn thành công trình bằng việc xếp từng viên gạch, vận chuyển cát, sỏi, trộn xi măng, chúng ta đã có 1 con đường tốt, 1 nhà văn hóa đẹp.
Các công trình nhà văn hóa và đường giao thông xóm Tổ đều được gắn biển bằng đá rất đẹp, trên đó ghi dòng chữ: Nhà văn hóa Saemaul xóm Tổ; đường Saemaul xóm Tổ. Công trình công cộng được xây dựng bởi các tình nguyện viên Hàn Quốc và nhân dân địa phương. Ông Cường cho biết thêm: Ngoài 2 công trình trên, ở xóm còn có một số chương trình đang được triển khai, như: Lớp học tiếng Hàn Quốc dành cho trẻ em trong xóm; vườn cây ăn quả được mang giống từ Hàn Quốc sang, gồm 70 cây được trồng thí điểm trên đất của gia đình ông Nguyễn Văn Quý. Cũng trong thời gian 6 tháng đầu năm 2015, các tình nguyện viên Hàn Quốc, đã triển khai một số lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, chăm sóc lúa; đồng thời triển khai mô hình chăn nuôi dê, 10 hộ tham gia được hỗ trợ 2 triệu đồng làm chuồng và được vay 6 triệu đồng, lãi suất 0,2%/năm. Hiện 10 hộ tham gia mô hình đã mua được 20 con dê giống về nuôi. Tất cả các công trình, các mô hình được triển khai ở xóm Tổ đều được gọi là công trình Saemaul. Ông Yea Bong - Su gạt những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt, bảo: Sau 5 năm, chúng tôi và người dân xóm Tổ sẽ biến nơi này thành 1 xóm giàu nhất Việt Nam.
Tôi nói với Yea Bong - Su ngay trước ngôi nhà văn hóa còn nồng mùi sơn mới: Mong là được như vậy. Cảm ơn Yea Bong - Su, cảm ơn những tình nguyện viên Saemaul Hàn Quốc.