"Nước cờ" ngoại giao phi truyền thống

14:56, 17/06/2015

Mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mời bà Aung San Suu Kyi, thủ lĩnh phe đối lập ở Myanmar, thăm Bắc Kinh. Dư luận cho rằng đó là một động thái ngoại giao phi truyền thống.

Có hai lý do Trung Quốc chủ động mời nhân vật này: Một là chính quyền hiện tại của Myanmar đang có những biểu hiện rời xa quỹ đạo của Trung Quốc, hướng về phương Tây và trong bối cảnh, xu thế hiện nay Bắc Kinh dự đoán trong cuộc bầu cử tới, Đảng của bà Aung San Suu Kyi sẽ thắng thế. Vì vậy, với quan điểm thực dụng, Trung Quốc sẽ có cơ hội thuận lợi khởi động lại các quan hệ để duy trì lợi ích mang tính chiến lược với quốc gia láng giềng.

 

Trước đây, Trung Quốc có quan hệ ngoại giao, hợp tác thân thiện đặc biệt với chính quyền Myanmar (do phái quân sự điều hành). Mấy thập niên Myanmar bị Mỹ và phương Tây trừng phạt, cấm vận. Bà Aung San Suu Kyi là thủ lĩnh đảng đối lập, hoạt động tự do, đấu tranh cho phong trào dân chủ, nhân quyền trong một xã hội mà quân đội đã từng nắm giữ mọi quyền hành trong quá khứ.

 

Bà Aung San Suu Kyi đã bị chính quyền Myanmar quản thúc 15 năm, đến năm 2010 được trả tự do. Bà bị buộc tội vì có các hoạt động kêu gọi sửa đổi hiến pháp, xây dựng đất nước tự do, dân chủ theo mô hình phương Tây, có quan điểm không theo thiên hướng mô hình Trung Quốc. Vì thế khi bà được Trung Quốc mời sang Bắc Kinh thì dư luận đánh giá đây la "việc làm lạ".

 

Năm 1991, trong dịp được nhận Giải Nobel Hòa Bình (bị quản thúc tại gia, không được đi nhận giải), bà đã nói câu một câu nổi tiếng: "Bất cứ ở nơi nào sự khổ đau bị làm ngơ thì ở đó sẽ có mầm mống của sự xung đột". Do bất bình đẳng xã hội, Myanmar luôn rơi vào xung đột sắc tộc và mâu thuẫn giữa các phe nhóm, bạo động thường xuyên. Mấy năm gần đây, đất nước này (về mặt danh nghĩa) đã có chính quyền dân sự được bầu cử dân chủ và thực hiện chính sách mở cửa, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận... nhưng thực chất bộ máy chính quyền vẫn chủ yếu nằm trong tay các nhân vật trong bộ máy quân sự cũ. Tuy nhiên, với tinh thần cải cách, cởi mở, dân chủ hơn nên Mỹ và phương Tây đã từng bước khôi phục quan hệ ngoại giao, giảm bớt việc trừng phạt kinh tế đối với Myanmar.

 

Hiện nay, ở Myanmar có rất nhiều đảng phái, nhưng thực chất có 4 nhóm quyền lực chi phối nền chính trị nước này, đó là: Chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Thein sein; Đảng Liên minh đoàn kết phát triển (USDP) do Chủ tịch Quốc hội Shwe đứng đầu; lực lượng quân đội do ông Min Aung Hlaing làm Tổng tư lệnh và Đảng Liên đoàn dân tộc vì dân chủ (NLP) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo (là đảng phái đối lập có nhiều quan điểm khác với chính quyền).

 

Quan hệ giữa Myanmar và nước láng giềng gần đây không còn mặn mà, hàng chục dự án của Trung Quốc đầu tư vào Myanmar (chủ yếu là khai thác tài nguyên) bị gây trở ngại, trong đó nhiều dự án phải hủy bỏ vì vấp phải sự phản đối của đông đảo nhân dân vì không có lợi cho Myanmar, gây ô nhiễm môi trường...

 

Thời gian qua, tại Myanmar xung đột nổ ra thường xuyên giữa các sắc tộc ở khu vực gần biên giới Trung Quốc làm ảnh hưởng đến quan hệ đôi bên. Mới đây nhất, máy bay của Myanmar lại thả bom nhầm vào lãnh thổ Trung Quốc làm thường dân thiệt mạng, gây sự bức xúc cho Bắc Kinh và các cuộc tập trận của Trung Quốc dọc biên giới đã làm cho Myanmar không đồng tình.

 

Vì vậy, Trung Quốc công khai mời bà Aung San Suu Kyi (uy tín của bà đang lên cao tại Myanmar) sang nước này thực chất là một "nước cờ" ngoại giao hoàn toàn mang những toan tính vụ lợi.