Tín hiệu ấm lên từng ngày

15:08, 03/06/2015

Có thực sự mấy chục năm qua Cuba đã bảo trợ khủng bố như Mỹ cáo buộc? Đến nay thế giới vẫn chưa có một bằng chứng nào thuyết phục chứng minh việc Cuba can dự, liên quan đến các tổ chức khủng bố.

Người ta cho rằng trong quá khứ Mỹ đưa ra lý do trên là vì mục tiêu chính trị nhằm cô lập, cấm vận Cuba. Năm 1982, chính quyền Mỹ gán cho Cuba thêm một tội danh là liên quan đến khủng bố. Trong lịch sử, quan hệ Mỹ - Cuba là cừu thù, Mỹ đã chính thức cấm vận nước này từ năm 1960. Gần đây, Chính phủ và Quốc hội Mỹ lại tự phán quyết rằng Cuba đã không còn bảo trợ khủng bố và tuyên bố đưa nước này ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố (kể cả các nước khác mà Mỹ cho là bảo trợ khủng bố cũng không có bằng chứng xác đáng).

 

Trong mấy chục năm gần đây, rất nhiều nước trở thành thù địch với Mỹ. Đặc biệt là năm 2002, Tổng thống Mỹ Georgc Bush đã quy kết các nước Irắc, Iran, Triều Tiên là liên minh ma quỷ, trục ma quỷ, trực tiếp liên quan đến khủng bố. Mỹ cáo buộc các nước này sản xuất vũ khí giết người hàng loạt (vũ khí hạt nhân, hóa học, sinh học). Ngoài các quốc gia trên, Mỹ coi Cuba, Syria liên quan đến bảo trợ khủng bố. Trong quá khứ, chính quyền Mỹ đã từng thực hiện nhiều âm mưu can thiệp nhằm lật đổ chính quyền những nước này và hậu thuẫn cho các tổ chức ly khai chống đối lại chính quyền nước họ (những quốc gia có tư tưởng thoát khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Mỹ).

 

Mỹ tấn công Irắc với cáo buộc nước này sản xuất, tàng trữ vũ khí giết người hàng loạt. Nhưng sau cuộc chiến, qua thanh sát cho thấy nước này không có những loại vũ khí như cáo buộc của Mỹ. Dư luận cho rằng Mỹ đã ngụy tạo thông tin để hợp thức hóa việc tấn công quân sự Irắc.

 

Trên 50 năm bị cấm vận (với cấp độ cấm vận hoàn toàn) đã làm cho Cuba thiệt hại trực tiếp khoảng trên 100 tỷ USD. Sau khi Liên Xô tan rã, Cuba hoàn toàn tự lực, vì bị cấm vận nên kinh tế phát triển chậm, cơ sở hạ tầng yếu kém, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

 

Trên thế giới, bất cứ quốc gia nào bị Mỹ cấm vận sẽ thiệt hại khôn lường. Mỹ là cường quốc số một, GDP khoảng trên 17 nghìn tỷ USD. Năm 2014, nhập khẩu hàng hóa trị giá gần 2 nghìn tỷ USD; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt trên 2 nghìn tỷ USD (riêng hàng hóa khoảng 1.600 tỷ USD). Bất cứ sự biến động nào (khủng hoảng hay tăng trưởng) của nền kinh tế Mỹ đều tác động đến toàn cầu. Nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào Mỹ (phụ thuộc về vốn đầu tư, xuất nhập khẩu, công nghệ kỹ thuật...).

 

Hơn nữa, đạo luật của Hoa Kỳ quy định rất ngặt nghèo việc trừng phạt các nước bị cấm vận và trừng phạt các nước (thứ 3) vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ. Ví dụ khi Mỹ đã cấm vận thì đồng thời cấm tất cả các nước có quan hệ ngoại giao, thương mại, đầu tư với Mỹ sẽ không được phép có quan hệ với các nước mà Mỹ cấm vận. Thậm chí các định chế tài chính, tiền tệ quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng phải tuân thủ theo Mỹ, vì Mỹ có quyền chi phối do tỷ lệ đóng góp nguồn vốn cao. Theo luật pháp Mỹ, khi nước này đã cấm vận thì nước nào vi phạm quan hệ với nước Mỹ cấm vận sẽ phải chịu hình phạt (có thể bị trừng phạt cả về chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại).

 

Quan hệ Mỹ - Cuba gần đây có tín hiệu ấm lên từng ngày. Vừa qua, tại Panama, lần đầu tiên trong lịch sử Tổng thống Mỹ Obama đã có cuộc gặp gỡ Chủ tịch Cuba Raul Castro. Ngày 29-5-2015, Mỹ đã đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố. Động thái của Mỹ đánh dấu một dấu mốc quan trọng trong quan hệ đôi bên, chắc chắn sẽ mở đường cho việc dỡ bỏ cấm vận từng phần, tiến tới bỏ cấm vận hoàn toàn và đi đến mục tiêu bình thường hóa quan hệ ngoại giao, mở đại sứ quán ở hai nước...

 

Nếu thoát khỏi sự cấm vận của Mỹ, đất nước Cuba sẽ là một điểm hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài (khi chính quyền Mỹ vừa đưa Cuba ra khỏi danh sách bảo trợ khủng bố thì đã có rất nhiều nhà đầu tư của Mỹ vào Cuba khảo sát). Cuba có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đặc biệt là dịch vụ du lịch. Cùng với thu hút đầu tư nước ngoài và tư duy đổi mới, tạo cơ chế thông thoáng, dư luận rất lạc quan về nền kinh tế Cuba sẽ tăng trưởng ngoạn mục.