Trái đất trước nguy cơ sa mạc hóa

15:29, 24/06/2015

Môi sinh trên trái đất ngày càng bị tàn phá nghiêm trọng. Con người là tác nhân chính hủy hoại tự nhiên, nạn phá rừng, thải các loại chất rắn, lỏng, khí ra môi trường làm cho nhiệt độ trái đất không ngừng tăng, dẫn đến hậu quả là biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt, sa mạc hóa...

Từ năm 1994, Liên hợp quốc đã lấy ngày 17- 6 hằng năm là Ngày chống sa mạc hóa và hạn hán. Tùy từng năm, Liên hợp quốc chọn các chủ đề thích hợp vào dịp này để tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Chính phủ các quốc gia cùng chung tay bảo vệ trái đất.

 

Sa mạc hóa, hạn hán ngày càng trở thành nguy cơ làm thu hẹp đất sản xuất và sinh sống của con người. Hiện nay, bình quân mỗi năm có hàng chục triệu héc ta đất bị hoang hóa không thể gieo trồng. Hàng trăm triệu người ở các vùng sa mạc, cận sa mạc thường xuyên chịu sự tác động bởi thời tiết nắng nóng, đất đai khô cằn, mất mùa, thiếu ăn.

 

Hiện nay, châu Phi, Trung Á là những khu vực bị tác động mạnh nhất về tình trạng sa mạc hóa. Châu Phi có trên 50 quốc gia với khoảng 800 triệu dân, trong đó nhiều nước quanh năm phải chịu cảnh cằn cỗi, khô khát vì thiếu nước, tỷ lệ nghèo đói cao nhất thế giới .

 

Có những quốc gia như Somalia, Etiopia hầu hết dân chúng đều thiếu ăn. Nghèo đói là nguyên nhân chính thường xuyên xảy bạo loạn, dân di cư bỏ Tổ quốc đi khắp nơi. Thảm họa nhân đạo lúc nào cũng có nguy cơ xảy ra, vì khi số lượng người đói quá đông thì việc cứu trợ quốc tế gần như bất lực, giống như muối bỏ bể. Các nguồn cứu trợ đến các nước nghèo lại thường bị ăn chặn bớt xén hoặc bị cướp.

 

Liên hợp quốc đã phát động Thập kỷ chống sa mạc hóa (2010-2020) đến nay đã đi được nửa chặng đường, nhưng kết quả thu được còn rất hạn chế. Có một nghịch lý là một số quốc gia quan tâm đến việc trồng rừng, bảo vệ rừng khá tốt thì ở nhiều nơi trên thế giới việc tàn phá rừng vẫn không ngừng gia tăng, mỗi năm cả thế giới bị mất khoảng 100 km2 rừng. Nạn phá rừng chủ yếu ở các nước nghèo, do đó diện tích đất bị nguy cơ sa mạc hóa rất cao, rừng bị phá, cạn kiệt nguồn nước đã làm cho nhiều vùng đất trước đây vốn màu mỡ nay trở thành hoang hóa.

 

Ở nước ta hiện nay có khoảng 7 triệu héc ta đất có nguy cơ bị sa mạc hóa, các tỉnh miền Trung, đặc biệt là khu vực Nam Trung Bộ là Ninh Thuận, Bình Thuận bị ảnh hưởng nặng nề. Trong thời gian qua do nắng nóng kéo dài, làm cho 40 nghìn héc ta đất của hai tỉnh trên bị khô hạn không thể canh tác, vật nuôi không có thức ăn, nước uống.