Ukraine phá sản và những hệ lụy

16:43, 15/06/2015

Ukraine đang tiến gần đến ngưỡng phá sản, kể từ lần vỡ nợ gần đây nhất của Argentina (2001). Giới phân tích đã bắt đầu đề cập đến những tác động của viễn cảnh màu xám này đối với Ukraine.

Phát biểu trước báo giới trong chuyến thăm Mỹ tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Natalie Jaresko nói rằng, khả năng phá sản liên quan đến khoản nợ 23 tỉ USD đối với các chủ nợ đang được thảo luận. “Nếu họ không đồng ý với đề xuất mà Ukraine đưa ra, chúng tôi sẽ phải sử dụng tới các công cụ khác để giảm sức ép lên cán cân thanh toán, đó có thể là quyết định hoãn trả nợ. Tôi không nghĩ là chúng ta còn nhiều thời gian”, bà Jaresko bình luận.

 

Theo giới phân tích tài chính, chính quyền Kiev có thể sẽ tuyên bố hoãn trả nợ trong vòng một tuần tới. Thời điểm đầu tiên khả năng sẽ là ngày 17/6, khi Ukraine buộc phải thanh toán khoản lãi suất 39 triệu USD đối với số trái phiếu châu Âu trị giá 1,25 tỉ USD. Tiếp đến, hôm 20/6 lại là thời điểm chính quyền Kiev trả Nga khoản lãi 75 triệu USD cho lượng trái phiếu 3 tỉ USD phát hành cuối năm 2013.

 

Điều gì sẽ xảy ra khi Ukraine đơn phương tuyên bố hoãn trả nợ - tức vỡ nợ về mặt kĩ thuật? Bộ trưởng Jaresko thì vẫn nói cứng rằng không có gì đang lo ngại, vì kịch bản xấu cũng “sẽ không ảnh hưởng tới Ukraine… Đạo luật về hoãn trả nợ các khoản vay sẽ giúp giảm sức ép lên cán cân thanh toán. Chúng ta không có nhiều tài sản ở nước ngoài (mà có thể bị thu hồi)”.

 

Theo vết xe đổ của Argentina

 

Thế nhưng các chuyên gia thì không nghĩ vậy, vì phá sản sẽ gây ra tình cảnh hỗn độn đối với nền kinh tế cùng hệ thống tài chính Ukraine vốn đã ở trong tình cảnh khốn đốn trong thời gian gần đây. “Sự thực thì việc đơn phương tuyên bố hoãn trả nợ nước ngoài chắc chắn sẽ có những tác động lớn về trung và dài hạn đến các công ty, hộ gia đình và người dân Ukraine. Ngay sau khi vỡ nợ, các thị trường tài chính sẽ “đóng cửa” với Ukraine trong một thời gian dài; giới đầu tư, các ngân hàng, các công ty, tập đoàn sẽ giảm sút niềm tin đối với tăng trưởng kinh tế của Ukraine – đây là điều mà nước Nga đã từng phải nếm trải trong giai đoạn sụp đổ kinh tế trong năm 1998. Ukraine sau đó cũng sẽ lún sâu vào giai đoạn kinh tế đình trệ, có thể kéo dài hơn 10 năm – như những gì từng xảy ra đối với Argentina”, Oleksiy Andriychenko, một chuyên gia phân tích tại Quỹ Art Capital (Ukraine) nhận định.

 

Ông Andriychenko nhìn nhận người dân Ukraine khi đó sẽ tìm mọi cách để bảo toàn số tài sản tiết kiệm của mình, bằng việc rút tiền khỏi ngân hàng và mua ngoại tệ. Cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng là nhãn tiền, nếu như Ngân hàng Trung ương Ukraine không hành động kịp thời, cho phép các ngân hàng tiếp cận giới hạn đối với các khoản tiền gửi. Không chỉ ở tầm quốc gia, các công ty Ukraine cũng sẽ gặp khó trong huy động vốn, buộc phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, làm tăng tỉ lệ thất nghiệp, lạm phát.

 

Trong lúc này, các cuộc đàm phán về giữa chính phủ Ukraine và các chủ nợ dù vẫn đang được thúc đẩy, nhưng chưa có một tín hiệu tích cực nào. Bà Jaresko nói rằng, Kiev muốn những chủ nợ chấp nhận xóa 40% giá trị danh nghĩa của số trái phiếu chính phủ do Ukraine phát hành. Tuy nhiên, các chủ nợ mà đứng đầu là Quỹ đầu tư tư nhân Franklin Templeton không đồng ý với đề xuất này và tỏ ra quan ngại trước cách tiếp cận của Ukraine. Họ chỉ chấp nhận kéo dài thời hạn thanh toán nợ đến năm 2025 đồng thời tạm giảm lãi suất trái phiếu thực hưởng. Việc gia hạn nợ, giảm các khoản thanh toán lãi suất 500 triệu USD trong bốn năm cho phép Ukraine tiết kiệm 15,8 tỷ USD, cao hơn so với mục tiêu IMF đề ra là 15,3 tỷ USD. Tuy nhiên, trong những năm tiếp theo, Ukraine sẽ phải trả lãi suất cao hơn và từng bước trả nợ gốc lẫn lãi.

 

Các chủ nợ khuyến nghị Kiev rút 8 tỷ USD từ dự trữ của Ngân hàng Trung ương Ukraine để trả nợ, coi đây là một cách tái cơ cấu. Thế nhưng Kiev phản đối điều này, vì tổng dữ trự của Ukraine hiện chỉ ở mức 9,9 tỉ USD. Ukraine phải tái cơ cấu nợ theo yêu cầu của gói cứu trợ 40 tỷ USD của quốc tế do IMF đứng đầu.