Ngày 28/7, chính phủ Mỹ đã bác bỏ đơn xin khoan hồng cho cựu nhân viên Cơ quan an ninh quốc gia Edward Snowden với gần 168.000 chữ ký.
Chính quyền ở Washington tái khẳng định lập trường cứng rắn đối với người đã tiết lộ những bí mật động trời về chương trình do thám quy mô lớn của Mỹ.
Cố vấn an ninh nội địa và chống khủng bố của chính phủ Mỹ Lisa Monaco chỉ ra rằng, quyết định nguy hiểm của Snowden khi đánh cắp và tiết lộ các thông tin mật của nước Mỹ đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia.
Bà Monaco cho rằng, việc Snowden tiếp tục ẩn náu ở Nga là hành động trốn tránh trách nhiệm. Cố vấn an ninh nội địa Mỹ kêu gọi Snowden trở về Mỹ để chịu sự phán xét công bằng về hành động của anh ta.
Chính phủ Mỹ coi Snowden là một tin tặc và là kẻ phản bội song cựu nhân viên an ninh quốc gia Mỹ này đã được đề cử giải Nobel hòa bình 2 năm liên tiếp và nhận một số giải thưởng quốc tế khác tôn vinh quyền tự do ngôn luận vì đã tiết lộ các bí mật về chương trình do thám của Mỹ.
Lá đơn xin khoan hồng cho Snowden cũng xuất phát từ luồng dư luận này và đã tập hợp được gần 168.000 chữ ký trình lên chính phủ Mỹ mùa hè năm 2013.
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã phải đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ từ dư luận sau khi Snowden phơi bày sự thật rằng Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ không chỉ thu thập hàng triệu cuộc điện thoại, thư điện tử và dữ liệu mạng của tất cả các công dân Mỹ mà còn nghe lén nhiều nguyên thủ quốc gia, kể cả các đồng minh thân cận của Mỹ.
Dưới sức ép của dư luận trong và ngoài nước, Quốc hội Mỹ hồi đầu năm nay đã thông qua một đạo luật yêu cầu Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ chấm dứt các hoạt động thu thập dữ liệu điện thoại của công dân.
Chính phủ Mỹ hồi đầu tuần cho biết, cơ quan này sẽ chính thức chấm dứt chương trình do thám gây tranh cãi trên vào ngày 29/11 tới và phá hủy các thông tin sớm nhất có thể./.