Cuộc khủng hoảng mới trong ngành sữa của Bỉ

07:29, 26/07/2015

Vài tháng sau khi hạn ngạch sữa hết hạn trên toàn châu Âu vào ngày 1/4 vừa qua, ngành sữa của Bỉ đang trải qua một cuộc khủng hoảng mới, đánh dấu bằng việc sụt giảm giá sữa. Đây là lần thứ 3 trong ít nhất 10 năm qua, ngành sữa của Bỉ bị rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ khiến hàng nghìn nông dân chịu thảm cảnh.  

Giá sữa trung bình hiện nay tại vùng Wallonie chỉ ở mức 25 centime/l, trong khi chi phí sản xuất, chưa kể giá nhân công, là 33 centime/l. Hồi giữa tháng 4/2014, một lít sữa còn có giá 40 centime.

 

"Thị trường giảm mạnh", ông Erwin Schöpges, nhà sản xuất thuộc Tập đoàn sản xuất sữa MIG và Hội đồng quản trị sữa châu Âu (EMB) cho biết. Chi phí sản xuất khác nhau, đôi khi có sự khác biệt khá mạnh giữa các trang trại, nhưng không một nông dân nào cảm thấy thoải mái. "Hiện nay, có những trang trại gặp khó khăn nhưng họ vẫn cố sức, trong khi những trang trại khác phá sản. Nhưng trong tình trạng hiện  nay, không ai có thể kiếm được tiền. Một số bị thiệt hại hơn những người khác" , ông Alain Masure, Giám đốc nghiên cứu thuộc Liên đoàn nông nghiệp vùng Wallonie  (FWA) nhấn mạnh.

 

Theo một số chuyên gia nhận định, tình hình hiện nay giống, thậm chí tồi tệ hơn hồi năm 2009, khi đó nhiều nông dân đã bày tỏ sự tức giận bằng hành động và kết quả, hơn 3 triệu lít sữa đã bị đổ tràn ngập cánh đồng Ciney hồi tháng 9/2009.

 

"Với tôi, tình trạng hiện nay còn tồi tệ hơn năm 2009 do hồi đó, mọi chi phí thấp hơn hiện nay", Gerard Rixhon, nhà sản xuất đồng thời cũng là chủ tịch Ủy ban Sữa thuộc FWA, than thở. "Tình trạng thật là thảm hại và giống năm 2009. Nếu điều này tiếp diễn trong những tháng tới thì nó còn tệ hại hơn hồi 2009. Năm 2014 dù sao vẫn khá hơn. Điều này chỉ giúp trả các khoản chi phí chứ không đủ để bổ sung ngân quỹ", Erwin Schöpges khẳng định.

 

Nguyên nhân và giải pháp

 

Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng ngành sữa hiện nay rất nhiều, không đơn giản chỉ là do hết hạn ngạch. Bởi việc chấm dứt hạn ngạch sữa đã cho phép nhiều quốc gia Bắc Âu tăng dần việc sản xuất. Bỉ cũng không nằm ngoài trường hợp này. Khi gần đến thời gian kết thúc hạn ngạch, sản xuất sữa tăng 5% trong năm 2014 đạt 3,4 tỷ lít, theo số liệu của Liên đoàn sữa Bỉ (CBL). Kể từ năm 2006, việc giao sữa ở Bỉ cũng tăng 18,5%.

 

Trong bối cảnh gia tăng sản xuất ở châu Âu, lệnh cấm vận nhập nông sản-thực phẩm của châu Âu mà Nga áp đặt từ tháng 8/2014 đã khiến ngành nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Gần 1/3 lượng phô mai và ¼ lượng bơ của Liên minh châu Âu được xuất sang Nga. Theo CBL, việc cấm vận của Nga khiến cho ngành sữa toàn châu Âu dư thừa 2,6 tỷ lít. Thêm vào đó, thị trường Trung Quốc, vốn là nhà tiêu thụ lớn sữa bột châu Âu, cũng giảm lượng nhập khẩu trong mấy tháng vừa qua.

 

Trước tình trạng trên, để khôi phục thị trường sữa và hỗ trợ nông dân, FWA hướng đến việc ký kết hợp đồng giữa nông dân và nhà sản xuất nhằm dự kiến xác định một mức giá cho một lượng sữa và trong một thời gian nào đó. Điều này cho phép nông dân thấy được thu nhập của họ và giúp nhà sản xuất đảm bảo được khối lượng sản xuất.

 

Một giải pháp khác là tập hợp nông dân vào hợp tác xã. Như trường hợp của Faircoop gồm 500 thành viên ở Bỉ và kinh doanh loại sữa Fairebel. "Hàng tháng, lượng bán ra đều tăng. Đây là một giải pháp có thể áp dụng nếu lượng sản xuất tăng gấp đôi hoặc gấp 3 và sẽ mang lại thu nhập hấp dẫn cho người nông dân", Erwin Schöpges, thành viên hợp tác xã nhận định.

 

Khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng đã khiến nhiều thanh niên không muốn tiếp nhận trang trại mà cha mẹ mình để lại nữa. Thực tế tại vùng Wallonie trong 30 năm qua đã cho thấy điều đó. Số lượng 15.000 người chăn nuôi bò sữa năm 1984, thời điểm thiết lập hạn ngạch sữa, đã giảm xuống  dưới 3.500 người, và con số này dự kiến còn tiếp tục giảm nữa.