Các nước thành viên khu vực đồng euro, ngày 7-7, đã nhất trí ra hạn chót cho Hy Lạp chậm nhất là tới cuối tuần này đưa ra một đề xuất cải cách để được vay vốn, giúp nước này không phải rời khu vực đồng euro và rơi vào suy thoái kinh tế trầm trọng.
Theo lịch trình được 19 nhà lãnh đạo khu vực đồng euro nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), diễn ra ở Brussels, Bỉ, ngày 7-7, Hy Lạp sẽ phải đệ trình một đề nghị chính thức về chương trình vay vốn trong hai năm vào ngày 8-7, với danh sách những cam kết cải cách đầu tiên được giải trình chi tiết hơn trong ngày 9-7.
Nếu Ủy ban châu Âu (EC), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chấp thuận, nhóm các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro (Eurogroup) sẽ nhóm họp vào ngày 9-7 để đề nghị mở các cuộc đàm phán về chương trình hỗ trợ có điều kiện.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras có thời gian đến ngày 10-7 để đưa ra đề xuất mới, tuy nhiên Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, bà hy vọng ông Tsipras có thể đưa ra những cam kết cải cách thuyết phục vào ngày 9-7 để bà có thể đề nghị Quốc hội Đức phê chuẩn các cuộc đàm phán về một chương trình cứu trợ mới.
Bà Merkel cho biết, nếu Hy Lạp đưa ra được những đề xuất thỏa đáng và thực hiện những hành động đi trước bằng việc thông qua các luật nhằm thuyết phục các chủ nợ về kế hoạch của Athens, việc cấp ngân sách trong ngắn hạn sẽ được thực hiện để giúp Hy Lạp vượt qua gánh nặng trả nợ trong mùa hè này.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức bày tỏ, bà “không quá lạc quan” về một giải pháp có thể đạt được.
Cũng tại hội nghị thượng đỉnh của eurozone, các nhà lãnh đạo cho biết, 28 nhà lãnh đạo thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) sẽ nhóm họp vào ngày 12-7 để quyết định về vấn đề của Hy Lạp.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nhấn mạnh, các bên chỉ còn năm ngày nữa để có thể đạt được thỏa thuận cuối cùng vào cuối tuần này. Sự thất bại trong việc đạt được thỏa thuận nợ với Hy Lạp có thể sẽ làm xói mòn vị thế của EU trên thế giới và khu vực đồng euro với lịch sử tồn tại sáu thập kỷ có thể sẽ phải đối mặt với “thời khắc nguy hiểm nhất trong lịch sử của khối”.
Thủ tướng Áo Werner Faymann cũng cảnh báo rằng, nếu không có thỏa thuận nào đạt được vào ngày 12-7, các chính phủ thuộc khu vực đồng euro sẽ phải chuẩn bị phương án B.
Ngay cả Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, người luôn nỗ lực không mệt mỏi để giữ Hy Lạp trong khu vực đồng euro, hiện cũng khẳng định ông đã có những kế hoạch cụ thể để ứng phó với việc Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng euro nếu nước này không đạt được thỏa thuận nợ.
Về phần mình, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras bày tỏ lạc quan khi rời cuộc họp: “Cuộc thảo luận diễn ra trong không khí tích cực. Tiến trình đàm phán sẽ diễn ra nhanh chóng, bắt đầu vào những giờ tới với mục đích hoàn tất tiến trình này muộn nhất là vào cuối tuần”, ông Tsipras nói, đồng thời khẳng định quyết tâm của ông với sự ủy quyền của người dân giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của nước này.
Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết, Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ bảo đảm cho các ngân hàng Hy Lạp có thanh khoản tối thiểu cần thiết để duy trì hoạt động cho đến ngày 12-7.
Theo giới thạo tin về hệ thống tại chính Hy Lạp, các ngân hàng của nước này có thể sẽ cạn kiệt tiền mặt trong hai ngày tới nếu họ không được nhận thêm thanh khoản.