Không để quốc gia "mất chủ quyền"

14:30, 08/07/2015

Với khoảng 11 triệu dân, bình quân mỗi người Hy Lạp phải gánh trên vai một khoản nợ khổng lồ, nợ công của quốc gia này hiện nay lên đến trên 270 tỷ USD (chiếm khoảng 175% GDP).

Hy Lạp đang là con nợ lớn, nếu nước ngoài tiếp tục cho vay thêm tiền thì đồng nghĩa với việc quốc gia này sẽ phải để cho nước ngoài thao túng, nguy cơ dẫn đến tình trạng một nhà nước có chủ quyền mà quyền định đoạt các chính sách tài chính, kinh tế đều do các chủ nợ nước ngoài chi phối. Khi đó Hy Lạp sẽ như một quốc gia mất chủ quyền.

 

Hy Lạp rơi vào thảm cảnh kinh tế hỗn loạn, ngân khố quốc gia trống rỗng. Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras không thể đưa ra quyết định nào tối ưu để giải cứu kinh tế trong bối cảnh Hy Lạp đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Chính phủ phải trông cậy vào việc trưng cầu dân ý để đưa ra quyết sách quốc gia có thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng là những điều kiện ngặt nghèo của chủ nợ để Hy Lạp được tiếp tục vay tiền hay không.

 

Ngày 5-7 vừa qua, 2/3 số cử tri Hy Lạp đã bỏ phiếu phản đối, không chấp nhận các điều kiện áp đặt của chủ nợ về việc thanh toán các khoản đến kỳ hạn và các yêu cầu bắt buộc để được EU tiếp tục cho vay vốn.

 

Đã gần một thập niên qua, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở Hy Lạp bị đình đốn, kinh tế suy thoái trầm trọng. Hy Lạp sống nhờ vào nguồn vốn vay của nước ngoài, nhưng vốn vay không được quay vòng sinh lợi, không trả được gốc và lãi, Hy Lạp lại phải vay thêm nên nợ chồng chất.

 

Chủ nợ chính của Hy Lạp là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Liên minh châu Âu (EU), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và một số nước như Đức, Hà Lan, Phần Lan...  

 

Hy Lạp có nguy cơ vỡ nợ, châu Âu rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Nếu không tiếp tục cứu Hy Lạp thì các khoản cho vay khổng lồ sẽ không có khả năng thu hồi. Nếu tiếp tục bỏ hầu bao ra cho Hy Lạp vay thì tiềm ẩn rủi ro "tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống". Một vấn đề nữa là nếu Hy Lạp vỡ nợ và rời khỏi khu vực đồng EURO sẽ cảnh báo tiền lệ nguy cơ dẫn đến sự tan rã của Khối đồng tiền chung.

 

Một chặng đường dài Hy Lạp tìm đến mô hình châu Âu, nhưng đến thời điểm hiện nay, Hy Lạp đã không đến được cái đích mà họ từng kỳ vọng. Năm 2001, Hy Lạp gia nhập EURO - vào thời điểm đó, đất nước này đã khai khống"thành tích" nhằm đạt được các tiêu chuẩn, tiêu chí để Khối chấp nhận là thành viên. Nền kinh tế không tương thích với các nước phát triển trong Khối EU, các chính sách kinh tế bất cập nên Hy Lạp luôn lâm vào tình trạng khó khăn. Đến năm 2010, Hy Lạp phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu Chính phủ, giảm lương hưu, lương viên chức và giảm phúc lợi xã hội theo điều kiện bắt buộc của các chủ nợ cho vay tiền. Đến nay, Hy Lạp đã nhận được hai gói cứu trợ trên 230 tỷ USD, tổng cộng các khoản nợ đến nay lên đến trên 270 tỷ USD.

 

Kinh tế đình đốn, nợ nần đã dẫn đến tình trạng hỗn loạn xã hội, các cuộc biểu tình xảy ra liên miên ở Hy Lạp làm cho Chính phủ cũ sụp đổ. Đầu năm 2015, Chính phủ mới ra đời, Thủ tướng Alexis Tsipras phản đối chính sách cho vay của nước ngoài đi liền với sự áp đặt chính sách khắc khổ. Mấy tháng gần đây, các cuộc đàm phán trả nợ và đàm phán các điều kiện do nước ngoài áp đặt để Hy Lạp được vay tiền tiếp đều thất bại. Thực chất đất nước này đã không còn khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn. Có những lúc hầu hết các điểm rút tiền ATM đều trống rỗng.

 

Châu Âu đang lo ngại khủng hoảng kinh tế tại Hy Lạp sẽ lan ra cả Khối và cảnh báo nguy cơ nước này rời khỏi khu vực đồng tiền chung EURO. Khi không chấp nhận lệ thuộc vào sự cứu giúp từ châu Âu (với các quy định bắt buộc), Hy Lạp chọn cho mình một hướng đi mới, nhưng thực tế đang đứng trước một tình thế rất khó khăn vì chưa có kịch bản tối ưu nào để giải bài toán khủng hoảng kinh tế, tài chính.