Mistral - "nạn nhân" của chính trị

09:31, 25/07/2015

Thương vụ tàu Mistral mà Pháp đóng theo đơn đặt hàng của Nga đến giờ này dường như đã bị hủy bỏ. Dư luận cho rằng người Nga tỏ ra dửng dưng trước quyết định đơn phương của Pháp. Mistal trở thành "nạn nhân" của trò chơi chính trị: Đó là lệnh cấm vận của EU đối với Nga.

Thực chất Nga không quá sốt sắng cần phải có hai con tàu đặt mua từ Pháp, vì Nga cũng là một cường quốc sản xuất tàu quân sự. Nga còn là nhà cung cấp vũ khí, khí tài lớn thứ hai thế giới. Mistral là tàu mang chức năng chuyên chở vũ khí, khí tài, binh lính đổ bộ vào đất liền từ đường biển. Đây là loại tàu thuộc thế hệ hiện đại nhất, theo thiết kế có thể chuyên chở được khoảng 20 máy bay trực thăng, 70 xe thiết giáp, 13 xe tăng, 450 binh lính, hai tàu đổ bộ đệm khí cập bờ, tàu dài 199m, rộng 32m. Hợp đồng chế tạo được ký kết giữa Nga và Pháp từ năm 2011, theo kế hoạch Pháp phải bàn giao cho Nga vào năm 2014. Hai tàu Mistral Nga đặt hàng với giá trên 1,6 tỷ USD. Thương vụ bị hủy bỏ vì khủng hoảng Ukraina (tháng 7- 2014) và sự kiện sáp nhập Crimea thuộc Ukraina vào Nga. Do đó Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cấm vận kinh tế, thương mại đối với Nga.

 

EU là liên minh đa quốc gia gồm 28 nước, có Nghị viện chung, khi Khối này đã quyết định cấm vận thì các thành viên phải tuân thủ. Vì thế Pháp không thể bán tàu cho Nga, mặc dù Pháp sẽ phải chịu thiệt hại nặng vì tàu được đặt hàng theo tiêu chuẩn của Nga, nếu bán cho một quốc gia khác thì phải sửa lại thiết kế, thậm chí phá bỏ hệ thống điện tử vốn theo đơn đặt hàng phục vụ mục đích sử dụng và thiết bị của Nga.

 

Mặc dù là liên minh nhiều nước, nhưng châu Âu lại là đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ và thường bị Hoa Kỳ chi phối. Trong bối cảnh Nga và Mỹ đang có quan hệ tồi tệ nhất, chắc chắn người Mỹ sẽ không đồng ý Pháp bán tàu cho Nga. Cuối tháng 6 vừa qua, EU lại quyết định kéo dài thêm thời gian áp dụng lệnh trừng phạt đối với Nga đến hết tháng 1-2016 (nếu tình hình Ukraina tiếp tục bất ổn, có thể EU sẽ tiếp tục kéo dài thêm lệnh trừng phạt).

 

Thương vụ có nguy cơ bị hủy bỏ đã gây ra nhiều tranh cãi. Pháp không giao tàu đúng hạn, phía Nga có quyền phạt và hủy bỏ hợp đồng. Về mặt nào đó phía Pháp rơi vào tình thế đuối lý, vì Pháp và Nga đã ký kết hợp đồng chế tạo và mua tàu từ năm 2011, người Nga cho rằng thời điểm đó diễn ra trước sự kiện Ukraina. Nghĩa là về tính pháp lý, thương vụ tàu Mitral không nằm trong khung thời gian mà EU ra lệnh trừng phạt Nga. Nếu chiểu theo các điều khoản cam kết hợp đồng, khi Pháp không giao hàng cho Nga thì có thể chịu khoản tiền phạt khổng lồ (lên tới khoảng 3 tỷ USD).

 

Việc đặt hàng mua tàu đổ bộ của Pháp nằm trong kế hoạch chiến lược phát triển quốc phòng của Nga. Dự kiến đến năm 2020, Nga sẽ đầu tư cho quốc phòng khoảng 500 tỷ USD để hiện đại hóa vũ khí, khí tài, trong đó 80% kinh phí đầu tư cho nghiên cứu, chế tạo vũ khí công nghệ cao, 20% kinh phí để cải tiến, nâng cấp vũ khí cũ. Trước đây khi chưa bị cấm vận, Nga nhập khẩu từ các nước trong khối NATO và EU hàng trăm loại linh kiện, khí tài quân sự. Hiện nay nguồn cung cấp từ thị trường trên không còn, có nghĩa là Nga phải tự lực sản xuất để tránh tối đa việc phụ thuộc vào nước ngoài.

 

Cuối năm 2014, trong thời điểm khó khăn nhất do bị cấm vận, Tổng thống Putin đã kêu gọi các tầng lớp nhân dân Nga tự lực, tự cường: "Chúng ta có một thị trường nội địa rất lớn và nguồn nhân lực có khả năng, người dân thông minh. Trong quá khứ, người Nga đã chứng minh được sức mạnh dân tộc, lòng yêu nước, nên những khó khăn hiện nay là một cơ hội mới cho chúng ta".