Theo Reuters, yêu cầu này của Nga được đưa ra trong bối cảnh nước này đã bác bỏ đề xuất của Malaysia, Australia, Hà Lan, Bỉ và Ukraine về việc đưa vụ rơi máy bay MH17 ra xét xử tại một tòa án của Liên Hợp Quốc.
Trước đó, những nước này đã tiến hành điều tra hình sự đối với vụ tai nạn máy bay MH17 và soạn thảo một bản dự thảo nghị quyết đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào đầu tháng này và yêu cầu thiết lập một tòa án quốc tế để xét xử những kẻ phải chịu trách nhiệm trong vụ này.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mô tả động thái này là vội vã và phản tác dụng. Theo ông Putin, Nga là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có quyền phủ quyết đề yêu cầu của các nước nói trên.
Thay vì thế, Nga cũng đã tự soạn thảo một bản dự thảo nghị quyết để trình lên Liên Hợp Quốc trong đó yêu cầu “những kẻ gây ra vụ tai nạn máy bay MH17 phải được đưa ra xét xử”.
15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thảo luận về dự thảo nghị quyết này ngày 20/7.
Đại sứ New Zeland tại Liên Hợp Quốc Gerard van Bohemen, người đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 7 này tuyên bố: “Cuộc thảo luận này là rất tích cực”. Tuy nhiên, theo ông van Bohemen điều quan trong nhất vẫn là việc có đưa vụ này ra tòa án quốc tế hay không.
“Đã có nhiều nước lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ điều này, tuy nhiên, Nga có quan điểm không đồng tình”, ông van Bohemen tuyên bố.
Trước đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin tuyên bố, Nga phản đối việc thiết lập một tòa án quốc tế bởi “điều này không nằm trong Hiến chương của Liên Hợp Quốc và Liên Hợp Quốc không có trách nhiệm phải giải quyết những vấn đề như vậy”.
Khi được hỏi liệu Nga có phản đối đề xuất thành lập một tòa án quốc tế vì vụ MH17 hay không ông Churkin đã tuyên bố là có.
Tháng trước, ông Churkin đã mô tả đề xuất này là một “màn kịch chính trị lớn”.
Theo Reuters, bản dự thảo nghị quyết của Nga yêu cầu Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon trong vòng 2 tuần tới phải báo cáo Hội đồng Bảo an về những bước đi cần thiết nhằm nâng cao vai trò của Liên Hợp Quốc trong việc điều tra về an toàn bay trong vụ này” và cử một đặc sứ của Liên Hợp Quốc tham gia cuộc điều tra này.
Nga cũng bày tỏ lo ngại rằng, cuộc điều tra hình sự liên quan đến vụ MH17 được tiến hành “một cách không minh bạch và có thể đưa ra những kết quả không khách quan”.
Ngoài ra, Nga cũng yêu cầu các nước tham gia điều tra phải “thông báo thường xuyên lên Hội đồng Bảo an về tiến trình điều tra” nhưng những thông tin đó phải được giữ kín để tránh ảnh hưởng đến việc xét xử sau này.
“Hội đồng Bảo an cần có những hành động rõ ràng và quyết liệt chống lại những kẻ chịu trách nhiệm trong vụ bắn hạ máy bay MH17 và gửi đi một thông điệp đến những kẻ có khả năng tiến hành bắn hạ một chiếc máy bay dân sự như vậy rằng, những hành động như thế sẽ không thể được dung thứ”, bản dự thảo nghị quyết của Nga nêu rõ./.