Quốc tế hoan nghênh thỏa thuật hạt nhân Iran

07:29, 15/07/2015

Thủ tướng Đức Angela Merkel chiều 14/7 đã lên tiếng hoan nghênh kết quả các cuộc đàm phán tại Vienna (Áo) về chương trình hạt nhân của Iran.

Nguồn tin từ Chính phủ Đức dẫn lời Thủ tướng Merkel nêu rõ thoả thuận đạt được tại Vienna là một thành quả quan trọng của chính sách bền bỉ và ngoại giao quốc tế. Với kết quả đạt được, các bên đã tiến gần hơn mục tiêu không để Iran phát triển chương trình vũ khí nguyên tử cho mục đích quân sự thông qua việc minh bạch hoàn toàn với một hệ thống kiểm soát quốc tế chưa từng có.

 

Theo bà Merkel, kết quả này có ý nghĩa quan trọng đối với tình hình an ninh toàn bộ khu vực cũng như ngoài khu vực. Thủ tướng Đức cũng kêu gọi các bên hiện thực hoá kết quả đàm phán theo đúng lộ trình đã đạt được nhằm vượt qua một trong những cuộc xung đột quốc tế khó khăn nhất bằng con đường ngoại giao.

 

Cùng ngày, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cũng hoan nghênh thoả thuận lịch sử mà Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) đạt được ở Vienna. Theo ông Stoltenberg, một khi được triển khai đầy đủ, thoả thuận sẽ giúp củng cố an ninh toàn cầu. Tổng thư ký NATO cũng kêu gọi Tehran thực thi các điều khoản trong thoả thuận cũng như tuân thủ các cam kết quốc tế.

 

Từ London, Bộ Ngoại giao Anh cùng ngày ra thông cáo cho biết Ngoại trưởng Philip Hammond đã hoan nghênh việc đạt được thỏa thuận trên. Thông cáo nêu rõ với việc đã đạt được thỏa thuận hạt nhân quan trọng này, các nước giờ đây sẽ tập trung vào việc thực hiện đầy đủ và nhanh chóng để đảm bảo vũ khí hạt nhân vẫn nằm ngoài tầm với của Iran.

 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng thỏa thuận hạt nhân với Iran mở đường cho một liên minh “rộng lớn” để chiến đấu chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm khủng bố khác.

 

Cũng trong ngày 14/7, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Bob Corker cho biết ông không nghĩ Thượng viện nước này sẽ tiến hành phiên bỏ phiếu đối với thỏa thuận hạt nhân Iran trước tháng 9. Trả lời phỏng vấn báo giới qua điện thoại, Thượng nghị sĩ Corker cho hay Thượng viện sẽ không bỏ phiếu về thỏa thuận trên cho tới sau ngày 7/9, thời điểm các thượng nghị sĩ kết thúc kỳ nghỉ mùa thu.

 

Ông Corker cũng cho rằng còn quá sớm để quyết định xem Quốc hội Mỹ sẽ phản ứng như thế nào về thỏa thuận hạt nhân mà Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) đạt được với Iran tại Vienne, song cho biết hiện có một “tâm lý quan ngại” từ cả hai đảng về văn kiện này.

 

Theo Dự luật rà soát thỏa thuận hạt nhân Iran được thông qua hồi tháng 5, Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để đánh giá về thỏa thuận mà Chính quyền Tổng thống Barack Obama theo đuổi. Quốc hội cũng sẽ tiến hành một số phiên điều trần trước khi bỏ phiếu biểu quyết.

 

Cùng ngày, Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết Tổng thống Obama sẽ tổ chức một cuộc họp báo tại Nhà Trắng trong ngày 15/7 trong những nỗ lực nhằm thuyết phục người dân Mỹ, các nhà làm luật và các đồng minh còn đang hoài nghi về những lợi ích của thỏa thuận hạt nhân với Iran.

 

Trong khi đó, một nguồn tin từ Chính phủ Israel cho biết Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngày 14/7 đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong đó ông Netanyahu đã bày tỏ sự quan ngại của Israel về thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được giữa các cường quốc thế giới và Iran.

 

Nguồn tin trên nêu rõ: “Thủ tướng Netanyahu đã nhấn mạnh rằng thỏa thuận này đặt ra 2 nguy cơ chính: Nó sẽ cho phép Iran có đủ khả năng để tự trang bị các loại vũ khí hạt nhân trong thời gian từ 10-15 năm. Ngoài ra, nó sẽ chu cấp hàng tỷ USD cho cỗ máy chiến tranh và khủng bố Iran vốn đe dọa Israel và cả thế giới”.

 

Tuy nhiên, theo thông báo của Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel, Tổng thống Obama đã nhấn mạnh cam kết của Washington đối với an ninh của Israel, đồng thời lưu ý rằng Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter sẽ thăm Israel trong tuần tới.

 

Cùng ngày, ông Obama cũng có cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Francois Hollande. Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết tại cuộc điện đàm với ông Obama, ông Hollande đã đánh giá cao những nỗ lực của các nhà đàm phán khi đã vượt qua được những khác biệt để đi đến thỏa thuận “lịch sử” được chờ đợi từ lâu.

 

Ông Hollande cho rằng “hiện là lúc để hành động” nhằm thực thi thỏa thuận hạt nhân “nghiêm túc và có thể kiểm chứng” mà Iran và Nhóm P5+1 đã đạt được.

 

Trong một diễn biến liên quan, ngày 14/7, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định gia hạn lệnh tạm ngừng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran thêm 6 tháng sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Thông báo của Hội đồng châu Âu (EC) nêu rõ: “Tiếp theo thỏa thuận đạt được ngày 14/7/2015 tại Vienna về vấn đề hạt nhân của Iran, EC đã gia hạn đến ngày 14/1/2016 về việc đình chỉ các biện pháp hạn chế của EU (đối với Iran). Điều này sẽ cho phép EU tiến hành những dàn xếp cần thiết và chuẩn bị cho việc thực thi Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung mới”.

 

Trước đó, EU đã từng vài lần gia hạn lệnh ngừng trừng phạt Iran nhằm cho phép có thêm thời gian cho các cuộc đàm phán ở Vienna. Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và P5+1 được ký kết tại Vienna ngày 14/7 - ngày đàm phán thứ 18 nhằm hướng đến việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc và EU đối với Iran, mặc dù chúng có thể “nối lại” nếu có những vi phạm từ phía Tehran.