Lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ, quốc kỳ Mỹ sẽ tung bay trên nóc Đại sứ quán nước này ở thủ đô La Habana và lá cờ Cuba cũng sẽ phấp phới trên đất Mỹ. Với việc mở lại đại sứ quán tại thủ đô của nhau, Cuba và Mỹ sẽ dần khép lại quá khứ đối đầu, hướng tới tương lai theo xu hướng hợp tác.
Thông tin mở lại đại sứ quán được Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo ngày 1/7, nói rằng đây là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng lại quan hệ ngoại giao với Cuba. Tổng thống Obama cũng cho biết, mặc dù giữa hai nước vẫn còn những “khác biệt sâu sắc” nhưng cô lập ngoại giao không phải là một chiến lược hiệu quả. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Vườn Hồng, ông Obama nói: “Cần một thời gian dài trong quá khứ để nhận ra rằng cách tiếp cận này không hiệu quả. Và khi có điều gì đó không phát huy tác dụng, chúng ta có thể và sẽ thay đổi”.
Tổng thống Obama nhấn mạnh rằng mở lại đại sứ quán không chỉ đơn thuần mang tính chất biểu tượng, mà còn cho phép các nhà ngoại giao Mỹ làm việc với chính phủ và nhân dân Cuba về các vấn đề như chống chủ nghĩa khủng bố, phản ứng với thảm họa và phát triển.
Dự kiến Đại sứ quán Mỹ sẽ mở cửa ngày 20/7 tới. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ tới La Habana nhân dịp này và ông sẽ trở thành ngoại trưởng Mỹ đầu tiên thăm Cuba trong 70 năm qua.
Từ Cuba, Chủ tịch Raul Castro cũng thông báo tin vui về việc mở lại Đại sứ quán Cuba ở Mỹ. Ông Raul nhấn mạnh: “Về phía Cuba, chúng tôi đưa ra quyết định này dựa trên hành động có lợi cả đôi bên để phát triển quan hệ hợp tác và tôn trọng giữa nhân dân và chính phủ hai nước”. Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez cũng sẽ dẫn đầu một phái đoàn gồm các đại diện ưu tú của xã hội Cuba tới dự lễ khai trương chính thức Đại sứ quán Cuba tại Washington.
Tin hai nước mở lại đại sứ quán ngay lập tức được cộng đồng Mỹ Latinh hoan nghênh. Tổng thống Brazil Dilma Rousseff ca ngợi động thái của hai nước là “thời điểm và bước ngoặt quyết định trong quan hệ của Mỹ với Mỹ Latinh”. Bà Rousseff nói: “Sự kiện này đặt dấu chấm hết cho tàn tích còn lại của Chiến tranh Lạnh. Sự kiện cuối cùng cũng đã nâng tầm quan hệ giữa Mỹ và cả khu vực”.
Mở lại đại sứ quán là thành quả đầu tiên mà Cuba và Mỹ nỗ lực đạt được trong quá trình bình thường hóa quan hệ. Song đây mới chỉ là điểm khởi đầu của một con đường còn dài và nhiều thách thức mà hai bên cần phải vượt qua. Chính phủ Cuba nói rõ trong một tuyên bố rằng quan hệ với Mỹ không thể được coi là bình thường hóa cho đến khi Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn chính sách bao vây cấm vận kinh tế, tài chính và thương mại, trả lại căn cứ hải quân ở vịnh Guantanamo và chấm dứt các chương trình phá hoại, kích động gây bất ổn tại Cuba.
Quả thực, chính quyền Mỹ vẫn còn rất nhiều việc phải làm để có thể tiến tới được mục tiêu cuối cùng là dỡ bỏ cấm vận chống Cuba. Tổng thống Obama cũng đã và đang nỗ lực thuyết phục Quốc hội về sự cần thiết phải xóa bỏ những chính sách đã lỗi thời và không phát huy tác dụng trong quan hệ với quốc đảo vùng Caribe này. Tuy nhiên, những rào cản từ các nghị sỹ có quan điểm cực đoan trong Quốc hội vẫn đang khiến tiến trình gặp không ít trở ngại. Thượng nghị sĩ Marco Rubio cho rằng từ khi thông báo sẽ nối lại quan hệ ngoại giao với Cuba ngày 17/12, chính phủ Mỹ chưa giải quyết được điều gì đáng kể. Nghị sĩ này khẳng định sẽ phản đối việc bổ nhiệm đại sứ Mỹ tại Cuba cho đến khi nào một số vấn đề liên quan tới tự do, dân chủ, nhân quyền được giải quyết. Ngoài ra, việc dỡ bỏ cấm vận kinh tế với Cuba cũng cần phải được Quốc hội Mỹ thông qua, trong khi cơ quan này hiện đang do phe Cộng hòa kiểm soát.
Nhưng dù sao, việc Cuba và Mỹ mở lại đại sứ quán cũng được đánh giá là tín hiệu đáng mừng, tất yếu của lịch sử. Sự kiện cho thấy bằng sự kiên nhẫn và ngoại giao sáng tạo, những tình huống phức tạp nhất cũng có thể được tháo gỡ dần dần. Thực tế là trong khi Mỹ cô lập Cuba suốt thời gian qua thì chính bản thân Mỹ cũng bị cô lập ở Mỹ Latinh - khu vực có nhiều lực lượng tiến bộ lên cầm quyền và đã củng cố thêm vị thế của Cuba.
Còn nhớ khi ông Obama thông báo quyết định lịch sử về nối lại quan hệ ngoại giao với Cuba ngày 17/12/2014, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich đã nói: "Nhà Trắng cần đến nửa thế kỷ mới nhận ra cấm vận Cuba là vô ích. Vâng, chúng tôi cũng sẽ chờ". Sẽ rất có lợi cho Mỹ và cả thế giới nếu Mỹ cũng nhận ra rằng biện pháp cấm vận, bao vây, trừng phạt mà Mỹ áp đặt không chỉ vô ích với Cuba mà còn với bất kỳ nước nào khác.