“Đó đáng ra phải là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong đời, nhưng khi tôi tiết lộ với đồng nghiệp và cấp trên là mình đang mang thai, cuộc đời tôi lại trở thành một cơn ác mộng. Tôi thường nghe được những lời bình luận ác ý về đời sống tình dục, bị buộc phải đứng giữa những người hút thuốc lá và tuần làm việc thì kéo dài hơn đầy mệt mỏi”, Manami Yoshida, 38 tuổi, nhớ lại.
Cô Yoshida từng là nhân viên một công ty tài chính tiêu dùng danh tiếng có trụ sở ở Shinagawa, trung tâm kinh doanh hiện đại ở Tokyo, nói thêm rằng từ khi bị buộc thôi việc, cô phát hiện nhiều trường hợp phụ nữ có thai bị quấy rối (maharata) khác ở Nhật.
Thực tế, theo những số liệu mới nhất và bất chấp các cam kết của Thủ tướng Shinzo Abe giải quyết tình trạng phụ nữ bị đối xử không công bằng tại nơi làm việc với chính sách ưu tiên phụ nữ "Womenomics" để đảm bảo có nhiều phụ nữ hơn tham gia lực lượng lao động và tiếp tục làm việc sau khi đã làm mẹ; tình trạng này vẫn đang lan tràn.
Một khảo sát công bố ngày 8/7 của Trung tâm nghiên cứu IRRC, cứ 6 phụ nữ mang thai thì một người bị quấy rối tại nơi làm việc, với 16% cho biết họ bị các đồng nghiệp và cấp trên trực tiếp trêu chọc việc họ có thai.Theo một nghiên cứu gần đây, một số lời nhận xét xúc phạm phụ nữ mang thai, rằng họ nên bị đuổi việc vì có em bé.
Yoshida nói: “Tôi đã nghe cụm từ ‘matahara’ trên tin tức, nhưng tôi chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành nạn nhân của nó và tôi nghĩ việc chuyển chỗ làm sẽ đảm bảo cơ hội cho tôi có cả gia đình và sự nghiệp. Các bạn gái của tôi hầu hết đều nghỉ việc khi mang thai và phần lớn họ đều trở thành những bà nội trợ, khi thu nhập của chồng họ đủ để nuôi gia đình. Nhưng tôi thì khác, chúng tôi cần thu nhập gấp đôi, vì còn tiền học cho con, rồi còn dành tiền nếu muốn có em bé thứ hai”.
Đối với Yoshida, người tốt nghiệp Đại học Meiji Gakuin ở Tokyo, với khả năng Anh ngữ tốt, nghỉ việc không phải một lựa chọn. Tuy nhiên, việc mang thai khiến cô phải đối diện với những lời bàn tán khiếm nhã, hành vi ác ý cũng như thô lỗ. Yoshida rốt cuộc đã buộc phải nghỉ việc để đảm bảo sức khỏe cũng như tinh thần của mình.
Sayuri Arakawa, 29 tuổi, cũng trải qua những khó khăn như Yoshida. Khi mang thai, người bán hàng mỹ phẩm này được bộ phận nhân sự của công ty thông báo rằng để phụ nữ mang thai quảng cáo bán hàng mỹ phẩm là “không đẹp mắt” và có thể khiến doanh số bán hàng giảm.
“Tôi thực sự nghĩ rằng mọi việc đang thay đổi ở Nhật. Tôi tin chính phủ khi họ nói mọi việc sẽ tốt hơn cho lực lượng lao động nữ và các bà mẹ Nhật, nhưng giống như nhiều người khác, khi tôi thông báo mình có bầu, tình trạng quấy rối bắt đầu và khi nó trở nên tàn nhẫn tôi buộc phải nghỉ việc”, Arakawa nói.
“Tôi hỏi sếp liệu khi mang thai lớn hơn tôi có được giảm giờ làm hay không, hay chính xác hơn là tôi không muốn làm thêm giờ vì kiệt sức và lo lắng cho sức khỏe em bé. Sếp nói sẽ chuyển lời lên cấp trên và yêu cầu này hoàn toàn bị từ chối. Không những thế, giờ làm việc của tôi bị kéo dài và tôi bị yêu cầu làm hai ca mỗi cuối tuần, quá sức chịu đựng của tôi”, Arakawa tức giận kể lại.
Arakawa cho rằng có một định kiến tồn tại ở Nhật Bản, rằng phụ nữ có thể làm việc đến năm 30 tuổi và sau đó là làm mẹ, nhưng không nên nỗ lực để làm cả hai việc.
Trải nghiệm đau khổ của Arakama hay Yoshida cho thấy chính sách “Womenomics” mới đây của Thủ tướng Nhật Abe có vẻ chỉ để làm dịu những cáo buộc bất bình đẳng giới ở Nhật của chính quyền Mỹ, khi công bố một nghiên cứu chỉ trích Nhật Bản vì khoảng cách bình đẳng giới và tình trạng quấy rối phụ nữ có thai và các bà mẹ tại công sở.
Đối phó với tình trạng này, ngày 26/6, chính phủ Nhật Bản đã đẩy nhanh việc xem xét luật ngăn chặn quấy rối phụ nữ mang thai ở nơi làm việc và khuyến khích các công ty giúp đỡ các nữ nhân viên đang đấu tranh để cân bằng cuộc sống gia đình và sự nghiệp.
Theo số liệu của IRRC, 43% phụ nữ trong khảo sát cho hay họ “không được xem xét miễn việc nặng” trong khi mang thai, “hơn 50% cho biết họ tiếp tục phải làm việc hơn 8 tiếng/ngày”. Cuộc khảo sát cũng cho thấy 41% người bị quấy rối nơi công sở cho hay họ bị đe dọa “sa thải hoặc đình chỉ công việc”, hơn 30% cho biết họ được đối xử “thiếu ân cần” và 13% bị buộc “làm việc nặng hoặc đứng làm việc”, một số người bị giáng cấp hoặc chuyển chỗ làm.
Những lời phàn nàn về quấy rối và phân biệt đối xử liên quan tới thời gian mang thai và sinh con của phụ nữ đang gia tăng tại Nhật. Số liệu trong Quý I/2015 cho thấy Chính phủ Nhật Bản nhận 2.085 đơn khiếu nại của các nhân viên nữ, tăng 18% so với số liệu 6 năm trước.
Trong khi Luật pháp Nhật Bản đảm bảo phụ nữ có quyền hưởng chế độ làm việc ít nặng nhọc hơn về mặt thể chất trong khi mang thai và được đảm bảo có 14 tuần nghỉ sinh con, những luật này không được thực hiện nghiêm túc, người phụ nữ mang thai thường bị chê bai, chế giễu.