Liên minh châu Âu (EU) bấy nay vẫn được coi là mô hình lý tưởng của sự liên kết đồng nhất đa quốc gia. 28 thành viên có chung Hội đồng châu Âu, Ủy ban châu Âu, Nghị viện, dân cư tự do đi lại, tự do luân chuyển lao động và họ có chính sách an ninh, quốc phòng và ngoại giao chung...
Tuy nhiên gần đây, có rất nhiều vấn đề nội khối và quốc tế mà các thành viên không tìm được tiếng nói chung. Tiêu biểu như quan điểm giải quyết các vấn đề nổi cộm khủng hoảng Ukraina, về việc trừng phạt Nga, một số nước muốn cắt đứt mọi quan hệ với Nga, một số quốc gia muốn nới lỏng, thậm chí bình thường hóa quan hệ với Nga.
Đối với việc nợ công của Hy Lạp có một số quốc gia sẵn sàng bỏ thêm tiền để cứu nền kinh tế nước này, có những nước thì đưa ra các điều kiện ngặt nghèo xiết chặt các điều kiện cho vay. Nhiều nước không muốn Hy Lạp phải rời khỏi khu vực đồng tiền chung EURO, một số quốc gia thì coi đó như là một sự tất yếu.
Hiện tại vấn đề người nhập cư vào châu lục này lại một lần nữa làm cho châu Âu chia rẽ. Người thì rộng vòng tay chào đón, kẻ thì đóng chặt cửa biên giới không tiếp nhận người nhập cư trái phép.
Thực thể chính trị, kinh tế đa quốc gia hàng đầu thế giới (GDP khoảng trên 18 nghìn tỷ USD) đang ẩn chứa nhiều mâu thuẫn giữa lợi ích các quốc gia với quốc gia và lợi ích của từng thành viên với lợi ích của toàn khối. Châu Âu trở thành cái đích nhắm đến của rất nhiều người tỵ nạn ở các khu vực Bắc Phi và Trung Đông. Họ là những người tha hương không thể sống được ở những nơi mình sinh ra vì các lý do chiến tranh, khủng bố, bạo lực, kỳ thị, thanh trừng sắc tộc, tôn giáo, bị ngược đãi cùng cực và vì đói nghèo.
Trước các làn sóng di dân khổng lồ mới đây, dường như đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHER), tổ chức này tỏ ra bất lực trong việc giải quyết và phối hợp với các quốc gia giải quyết vấn đề người tỵ nạn, hậu quả là gây ra nhiều thảm họa nhân đạo. Trong lịch sử thế giới chưa khi nào có nhiều người tỵ nạn như hiện nay. Các quốc gia những người nhập cư trái phép nhắm đến là các nước giàu có và những nước có chính trị, kinh tế phát triển, châu Âu như là một miền đất hứa, một đích đến lý tưởng.
Do đó châu Âu đang phải hứng chịu những hệ lụy vấn nạn dân nhập cư. Vấn đề người tỵ nạn đã tạo ra nhiều mâu thuẫn trong lòng xã hội châu Âu. Mâu thuẫn của các đảng phái trong cùng một quốc gia về quan điểm xử lý cho phép hoặc không cho phép dân nhập cư.
Qua nhiều hội nghị, châu Âu không tìm được tiếng nói chung, họ bất đồng về vấn đề tiếp nhận và cơ chế phân bổ người nhập cư đến các nước. Một số quốc gia đã lập hàng rào an ninh và hàng rào thép gai để ngăn chặn người nhập cư không cho vào lãnh thổ. Thậm chí nhiều nước còn huy động cả tàu chiến để ngăn chặn việc di dân qua đường biển. Một số nước như Pháp, Phần Lan, Đức thì sẵn sàng mở rộng cửa đón người nhập cư (riêng Đức tuyên bố sẽ tiếp nhận khoảng 80 nghìn người, Pháp đã tiếp nhận khoảng 5 nghìn người Syria và trên 4 nghìn người I rắc), còn các nước khác như Anh, Hunggari, Bungari thì luôn tỏ ý không chấp nhận, hoặc miễn cưỡng chấp nhận.
Từ đầu năm đến nay, có khoảng 50 nghìn người chạy khỏi Syria, Af ganistan, I rắc để vào châu Âu. Khoảng 300 nghìn người từ Bắc Phi cũng đã vượt biển Địa Trung Hải sang châu Âu, đã có khoảng 2 nghìn người chết vì lật thuyền và đói khát (trong mấy năm qua có hàng chục triệu người Syria trong tổng số khoảng 20 triệu dân nước này rời bỏ quê hương sang các nước để lánh nạn vì nội chiến và vì sự xâm lược của đội quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS).
Hiện nay, hàng trăm nghìn người vẫn nằm ở các trại tỵ nạn hoặc lênh đênh trên biển, rất nhiều người đã rơi vào thảm cảnh hy sinh tính mạng vì lật thuyền và hàng trăm người chết đói, chết khát. Làn sóng người nhập cư trái phép ồ ạt vào châu Âu đã làm cho lục địa già thêm gánh nặng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nợ công đang chồng chất và tỷ lệ người thất nghiệp tăng cao.