Nơi tích tụ các loại mâu thuẫn

09:02, 26/09/2015

Syria hoang tàn vì nội chiến và gần đây các cuộc không kích của liên quân do Mỹ cầm đầu tấn công IS đã làm tăng thêm sự thiệt hại về cơ sở hạ tầng, nhiều thành phố, làng mạc tiêu điều vì đạn bom. Có khoảng một nửa trong tổng số 22 triệu dân của nước này phải rời bỏ quê hương để tránh bom đạn và đói nghèo.

Syria hiện đang trở thành tâm điểm nóng bỏng nhất thế giới, tích tụ các loại xung đột, mâu thuẫn nội bộ, mâu thuẫn giữa các quốc gia liên quan, như: Mâu thuẫn của hai cường quốc Nga và Mỹ, mâu thuẫn giữa chính quyền với các nhóm ly khai, mâu thuẫn giữa các nhóm ly khai với nhau, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo. Gần đây, tất cả các phe phái chính trị đều đang có một kẻ thù chung đó là nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

 

Về mâu thuẫn giữa Nga và Mỹ, Syria được coi như một chiến trường gián tiếp của hai cường quốc. Từ trước đến nay, Nga tìm mọi biện pháp để hậu thuẫn, giúp đỡ, bảo vệ chính quyền của Tổng thống  Assad cả về vật chất và bênh vực trên các diễn đàn ngoại giao quốc tế. Nga cho rằng chính quyền và Tổng thống Assad là lực lượng hợp pháp duy nhất của nước này vì được bầu cử tự do. Nga là đồng minh truyền thống và có căn cứ quân sự ở Syria từ trong quá khứ. Ngược lại, Mỹ thì tìm mọi cách nhằm lật đổ Tổng thống Assad và chính quyền của ông. Mỹ đã cung cấp vũ khí, hậu thuẫn cho các lực lượng đối lập để chống lại ông Assad và nhằm xóa bỏ chính quyền nhà nước. Những hậu thuẫn từ bên ngoài cho các phe phái khác nhau là một trong những nguyên nhân làm cho cuộc nội chiến ở Syria diễn ra dai dẳng, bất phân thắng bại.

 

Sự xuất hiện của nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đã làm phát sinh thêm một mâu thuẫn mới. IS trở thành kẻ thù của cả chính quyền nhà nước, các đảng phái, sắc tộc ở Syria. Vì tranh chấp bất ổn nên Syria trở thành mảnh đất dễ xâm chiếm, đến nay khoảng trên 70% diện tích lãnh thổ nước này nằm trong tay IS. Chính quyền của Tổng thống Assad chỉ còn kiểm soát được khoảng 20%, nhiều mỏ dầu quan trọng vốn là nguồn thu của nhà nước đã rơi vào tay IS.

 

Từ lâu, Nga thường xuyên hậu thuẫn cho chính quyền Syria. Nhân danh chống khủng bố, gần đây Nga đã cung cấp thêm vũ khí cho quân đội của ông Assad. Mỹ cung cấp thêm vũ khí, đào tạo chiến binh của lực lượng đối lập Tổng thống cũng nhân danh giúp đỡ các tổ chức này chống khủng bố. Mỹ và Nga đều tuyên bố tính hợp pháp của mình khi can dự vào Syria.

 

Nga vừa đưa 28 máy bay các loại (kể cả máy bay hiện đại), nhiều xe bọc thép, xe tăng T90 tới đồn trú tại Syria. Đây là một động thái mới (từ năm 1979-1989, Liên Xô đã đưa quân vào Afghanistan năm), sau mấy thập niên người Nga lại triển khai lực lượng quân sự ở nước ngoài. Dĩ nhiên là Mỹ và phương Tây không đồng tình việc hiện diện quân sự của Nga ở Syria.

 

Đối với số phận chính trị và vai trò của ông Assad, Nga và Mỹ luôn tỏ ra bất đồng. Người Mỹ muốn gạt Tổng thống Syria hiện nay ra khỏi các cuộc đàm phán (như là một điều kiện tiên quyết). Nga lại cho rằng không có vai trò của ông Assad sẽ không bao giờ ngăn cản được nội chiến và đẩy lùi được IS. Muốn ngăn chặn và đẩy lùi được IS ở Syria thì phải phối hợp với quân đội của chính quyền (đặc biệt là lực lượng bộ binh), hiện tại họ vẫn là lực lượng quân sự duy nhất được coi là hợp pháp.

 

Do tính cấp bách của thời cuộc, có thể Mỹ và Nga sẽ phải gạt bỏ một số bất đồng đi đến thỏa hiệp để cùng nhau giải quyết cuộc xung đột đã kéo dài tại Syria và phối hợp với nhau trong chiến dịch chống nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

 

Dư luận cho rằng Mỹ đã "xuống thang" trước Nga và phía Mỹ đã chấp thuận có thể vẫn cho ông Assad nắm quyền với tư cách là Tổng thống Syria trong một khoảng thời gian nào đó. Vì tại thời điểm này Mỹ không thể gạt được ông Assad ra khỏi bàn cờ thế sự như trước đây Mỹ đã từng tuyên bố.