Mỹ - Trung: Mâu thuẫn và thỏa hiệp

10:11, 01/10/2015

Nhà trắng mở quốc yến, có Tổng thống, các quan chức Chính phủ, các nhân vật nổi tiếng của Mỹ dự chiêu đãi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đại tiệc là một nghi lễ ngoại giao dành cho nguyên thủ quốc gia có mối quan hệ đặc biệt với Hoa Kỳ; vào buổi tối các ông Obama và Tập Cận Bình đi bộ trong khuôn viên phủ Tổng thống tỏ vẻ rất thân mật... Với những sự kiện mà báo chí đưa tin phản ánh có vẻ như quan hệ Mỹ - Trung chuyển sang một trang mới đó là thắt chặt thêm tình hữu nghị, nhưng thực chất hai cường quốc này còn có rất nhiều mâu thuẫn, bất đồng trong nhiều vấn đề quan hệ song phương và quốc tế.

Nội dung, chương trình các cuộc gặp gỡ, hội đàm của hai nguyên thủ quốc gia Mỹ và Trung Quốc đã được các nhà ngoại giao sắp xếp, ấn định từ trước chuyến thăm, tuy nhiên những vấn đề tìm được sự đồng thuận thì được bàn bạc sâu hơn, còn điều gì các bên có quan điểm trái ngược nhau có thể chỉ được đề cập thoáng qua hoặc thậm chí bị loại ra khỏi chương trình làm việc.
Cho dù có nhiều quan điểm bất đồng nhưng với vị thế là hai siêu cường có vai trò quan trọng đối với thế giới và chính họ là đối tác rất quan trọng của nhau nên phải dựa vào nhau cùng phát triển. Hoa Kỳ và Trung Quốc có những quan hệ đặc biệt, gắn chặt với nhau, là hai đối tác rất lớn về kinh tế, thương mại.

 

Hai siêu cường có GDP chiếm khoảng 30% tổng GDP của thế giới (Hoa Kỳ trên 16 nghìn tỷ USD, Trung Quốc khoảng gần 9 nghìn tỷ USD). Năm 2014, kim ngạch buôn bán song phương giữa Mỹ và Trung Quốc đạt gần 600 tỷ USD (Trung Quốc là đối tác lớn thứ 3 của Mỹ, sau Canada và Mexco). Mỹ là thị trường chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc, theo dự kiến 10 năm sau kim ngạch thương mại song phương sẽ lên đến khoảng 1.000 tỷ USD.

 

Trung Quốc là quốc gia mua trái phiếu chính phủ Mỹ nhiều nhất với tổng trị giá 1.155 tỷ USD (Nhật Bản mua trái phiếu Mỹ xếp thứ hai sau Trung Quốc với 1.131 tỷ USD). Mặc dù Mỹ và Trung Quốc có nhiều bất đồng với nhau trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự và nhiều vấn đề quốc tế, nhưng quan hệ có tính chất ràng buộc bởi lợi ích quốc gia đôi bên luôn được đặt lên hàng đầu.

 

Về một số vấn đề nổi cộm quốc tế muốn giải quyết được cần phải có sự hợp tác của đôi bên như việc Mỹ rất cần sự vào cuộc của Trung Quốc nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên, ở Iran...

 

Trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Mỹ, hai bên hài lòng và đạt được một số nội dung tích cực như Trung Quốc cam kết quyết tâm góp sức chống biến đổi khí hậu thế giới, kiểm soát khí thải trong nước... Sau mấy thập niên kinh tế phát triển với tốc độ chóng mặt, Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia làm ô nhiễm môi trường trầm trọng, hàng năm thải ra một lượng khổng lồ chất thải khí, lỏng, rắn.  

 

Hai bên cũng bước đầu tìm được tiếng nói chung trong việc hợp tác chống tin tặc. Từ lâu Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ với nhiều hình thức, ăn cắp các dữ liệu thương mại, công nghệ, công nghiệp và thông tin bí mật của Chính phủ Hoa Kỳ.  

 

Những bất đồng lớn nhất giữa hai bên là về vấn đề Biển Đông và nhân quyền. Trung Quốc không có ý định nhượng bộ về vấn đề Biển Đông theo quan điểm của Mỹ, Tổng thống Obama tỏ ra quan ngại về việc Trung Quốc bất chấp dư luận quốc tế, liên tục bồi đắp đảo ở Biển Đông. Mỹ coi việc làm đó ảnh hưởng đến các biện pháp nhằm giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao, hòa bình, ngoài ra còn vấn đề tranh chấp trên biển Hoa Đông tạo ra mối nguy cơ xung đột vũ trang, uy hiếp an toàn lưu thông hàng hải trong khu vực...

 

Về vấn đề nhân quyền, từ lâu Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền, đặc biệt là đối xử không công bằng, thậm chí đàn áp, quản chế, giam cầm đối với những người bất đồng chính kiến và vi phạm tự do tôn giáo.

 

Trong chuyến thăm Mỹ, ông Tập Cận Bình nói: "Quan hệ mô hình nước lớn không có xung đột, không có đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng hưởng lợi, đó là chính sách ưu tiên trong đối ngoại của Trung Quốc". Đấy là những lời phát ngôn trên diễn đàn ngoại giao, còn thực tế giữa hai nước có rất nhiều quan điểm bất đồng (như các nội dung nêu trên), nhưng họ luôn tìm sự thỏa hiệp với nhau vì lợi ích của chính họ -  hai siêu cường hàng đầu thế giới.