Nga: Một mũi tên nhắm nhiều đích

09:00, 10/10/2015

Mới đây, sau khi nhận được đề nghị của Tổng thống Syria Assad muốn Nga giúp nước này tấn công IS, ông Putin lập tức trình Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) và được Quốc hội chấp thuận việc đưa quân đội, vũ khí đến Syria để tấn công lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Trước khi máy bay Nga ném bom các mục tiêu của IS, họ chỉ thông báo cho Đại sứ quán Mỹ ở khu vực Trung Đông đúng một tiếng đồng hồ. Mọi quyết định của Tổng thống Putin diễn ra nhanh chóng, làm cho Mỹ, phương Tây tỏ ra bất ngờ và bối rối, không kịp có bất cứ phản ứng nào.

 

Nước cờ quyết định tấn công IS của ông Putin chắc chắn nằm trong toan tính nhiều mục đích: Bảo vệ được đồng minh đó là Tổng thống Assad; cơ hội hợp thức hóa được việc đưa quân ra nước ngoài (với danh nghĩa tấn công IS); khẳng định sức mạnh quân sự, bản lĩnh của Nga trong bối cảnh phương Tây không ngừng chèn ép nước này... Syria là một đồng minh truyền thống của Nga ở Trung Đông - khu vực mà người Nga vốn có quyền lợi về kinh tế, quân sự, chính trị từ thời Liên Xô.

 

Hành động quân sự của Nga làm cho Mỹ, phương Tây rất khó chịu. Trước đó, ngày 28-9-2015, tại phiên họp lần thứ 70 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (có mặt tất cả các nguyên thủ quốc gia), Tổng thống Nga đã lên án cái gọi là "xuất khẩu dân chủ" của Mỹ và phương Tây thực chất là sự can thiệp thô bạo vào Trung Đông, dẫn đến hậu quả các thể chế nhà nước và xã hội bị phá hủy, bạo lực, đói nghèo, thảm họa xã hội sinh ra từ đó. Đấy là một trong những nguyên nhân làm xuất hiện đội quân IS tàn bạo và ngày càng bành trướng mạnh...

 

Phía Nga có đủ căn cứ để khẳng định là nhiều chiến binh của IS trước đây thuộc lực lượng chống đối Chính phủ của ông Assad, được Mỹ hậu thuẫn, đào tạo, cung cấp vũ khí, nay đã gia nhập đội quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

 

Xét về tính hợp pháp của cuộc tấn công IS trên lãnh thổ Syria, nước Nga có lý do chính đáng hơn Mỹ và phương Tây, vì Nga được chính quyền Syria kêu gọi giúp đỡ. Còn đối với liên quân các nước (Mỹ, Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ôxtrâylia, Qatar, Ả-rập Xê-út) mặc dù họ đã không kích IS trong thời gian một năm qua nhưng thực chất liên quân chưa nhận được sự phê chuẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hành động quân sự của liên quân có thể coi là vi phạm chủ quyền của Syria.

 

Nga tham chiến tấn công IS có ưu thế hơn nhiều so với liên quân, họ có thể phối hợp cùng bộ binh của Chính phủ ông Assad tiêu diệt kẻ thù. Syria cho phép Nga mở căn cứ không quân hỗn hợp Hmeimim gần thành phố cảng Latakia của Syria nên rất thuận lợi cho việc cung cấp vũ khí, hậu cần và khoảng cách từ căn cứ của Nga xuất phát để tấn công IS không xa như chặng đường đi của máy bay liên quân.

 

Nga đã đưa đến căn cứ không quân ở Syria khoảng 50 phi cơ chiến đấu các loại, gồm máy bay ném bom chiến thuật Su-24M, máy bay cường kích Su-25 SM, máy bay đa năng Su-30SM, Su-34 (Su-34 là loại hiện đại, uy lực nhất, có biệt danh là xe tăng bay), trực thăng tấn công M-24, trực thăng đa năng M-8...

 

Ngày 30-9, Nga bắt đầu tấn công IS, đến nay đã oanh kích gần 100 phi vụ. Lực lượng không quân vũ trụ Nga đã sử dụng nhiều loại vũ khí hiện đại như bom điều khiển thông minh KAB-250 định vị vệ tinh, đầu dẫn laser bảo đảm chính xác với sai số vòng tròn đồng tâm không quá 5m, tấn công hiệu quả trong bất kể điều kiện thời tiết nào và ngày hoặc đêm, các loại bom dẫn đường quang tuyến KAB-500Kl, tên lửa có độ chính xác cao Kh-29L điều khiển laser...

 

Không quân Nga đã phá hủy nhiều cơ sở chỉ huy, kho vũ khí, nơi đồn trú của IS,  vì lo sợ nên có khoảng 600 tên lính IS đã đào ngũ. Dư luận đánh giá cuộc tấn công của Nga hiệu quả hơn nhiều so với liên quân (các nước do Mỹ cầm đầu càng đánh, lực lượng IS càng mạnh và càng bành trướng ra diện rộng).

 

Căn cứ không quân dã chiến của Nga chỉ cách những nơi hoạt động (gần nhất) của IS khoảng 40-50km. Nga đã điều Tuần dương hạm Moskva, các tàu khu trục, tàu hậu cần... đến biển Địa Trung Hải để bảo vệ an toàn cho binh lính và vũ khí, khí tài không bị IS tấn công.

 

Tuần dương hạm Moskva là một trong những phương tiện tối tân nhất của Hải quân Nga, tích hợp nhiều loại vũ khí hiện đại,bao gồm các tổ hợp tên lửa tấn công tàu nổi (sát thủ tàu sân bay), tàu ngầm, tấn công đất liền, có hệ thống phòng không hiện đại tầm xa, tầm trung, tầm gần, các rađa có chức năng dò tìm mục tiêu cực kỳ tối tân. Ngoài ra, Nga còn đưa đến Syria các tổ hợp tác chiến điện tử mới nhất, nhiều loại máy bay trinh sát (không người lái) dò tìm mục tiêu tấn công và phát hiện bất cứ động thái nào của kẻ thù nhằm tấn công căn cứ của Nga. Vì thế Nga có thể bảo vệ an toàn sân bay trong đất liền và vô hiệu hóa việc tấn công của kẻ thù vào các phương tiện vũ khí và nơi đồn trú của Nga.

 

Mỹ và phương Tây cho rằng nhân cơ hội này Nga đã đánh bom vào các lực lượng chống đối Chính phủ của ông Assad (không phải là IS), tuy nhiên phía Nga cho rằng các địa điểm phi cơ Nga oanh tạc đều có bản đồ chi tiết và lưu hình ảnh, video (đó là căn cứ phản bác lại cáo buộc của Mỹ và phương Tây thiếu thiện chí đối với Nga).

 

Theo Tổng thống Syria Assad, muốn chiến thắng, đẩy lùi được IS thì cần có sự giúp đỡ của Nga và sự phối hợp của quân đội (đặc biệt là của bộ binh) Syria và các nước Iran, Irắc tham gia tấn công. Mục tiêu trước mắt của Nga là giúp chính quyền Syria chiếm lại được từ tay IS các khu vực trọng yếu có ý nghĩa chiến lược (như khu kinh tế, các nhà máy lọc hóa dầu) và ngăn chặn không cho IS tấn công Thủ đô Damascus.

 

Nếu Nga tham chiến thực sự làm suy yếu IS thì sẽ một lần nữa khẳng định vị thế, vai trò rất quan trọng không thể thiếu được của Nga trong việc giải quyết các vấn đề nóng bỏng trên toàn cầu.