Chỉ 1 ngày sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel có cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng đang diễn ra tại châu Âu; trong tuyên bố mới nhất, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã bác bỏ thỏa thuận vừa mới đạt được với đại diện phía Liên minh châu Âu.
Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ phủ nhận khoản tiền hỗ trợ 3 tỷ euro, đặc biệt nhấn mạnh nước này sẽ không trở thành “trại tập trung” vĩnh viễn cho người nhập cư đang tràn vào châu Âu qua nước này.
Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại có thái độ bất hợp tác như vậy, mặc dù đã được Thủ tướng Đức Merkel hứa hẹn sẽ giúp nước này nhanh chóng gia nhập Liên minh châu Âu - để đổi lại sự hỗ trợ đối với cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay? Liệu những tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tác động ra sao đến cục diện chung làn sóng nhập cư châu Âu cũng như quan hệ giữa nước này với Liên minh châu Âu?
EU đặc biệt lưu tâm đến Thổ Nhĩ Kỳ
Đây là đất nước nằm ở ngã ba của hai châu lục Âu-Á, là điểm nối giữa châu Âu với vùng đất Trung Đông. Có thể nói Thổ Nhĩ Kỳ có một vị trí địa chính trị vô cùng quan trọng, thậm chí là mang tính sống còn đối với nhiều mối quan hệ quốc tế.
Chính vì vị trí đó, Thổ Nhĩ Kỳ luôn là nơi trung chuyển của những điểm nóng trên thế giới, trong đó có vấn đề người tị nạn.
Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp nhận khoảng 2,2 triệu người tị nạn Syria, đất nước có biên giới đất liền tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỳ. Những người Syria này rời bỏ đất nước đang nội chiến và đích đến của họ đương nhiên không phải là Thổ Nhĩ Kỳ mà là châu Âu. Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là điểm dừng chân của họ. Chính vì lý do đó, Thổ Nhĩ Kỳ được xem như là cái van điều tiết lượng người tị nạn đổ về châu Âu.
Nếu nước này bỏ lỏng kiểm soát thì hàng triệu người tị nạn Syria, Iraq và nhiều quốc gia châu Phi khác sẽ tràn vào biên giới của Liên minh châu Âu và khi đó tình hình sẽ vượt ngoài ra tầm kiểm soát.
Vì thế, hợp tác chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ để kiểm soát tốt dòng người tị nạn là vấn đề mang tính sống còn với Liên minh châu Âu.
Muốn chặn dòng người tị nạn đổ về châu Âu thì phải chặn ngay từ thượng nguồn, tức là phải có biện pháp kiểm soát ngay trên đất Thổ Nhĩ Kỳ.
Điều kiện của Ankara
Để đổi lại sự hợp tác với châu Âu trong việc kiểm soát biên giới và giữ người tị nạn ở lại đất Thổ Nhĩ Kỳ chứ không tràn về châu Âu, chính quyền Ankara có đưa ra 4 điều kiện cho Liên minh châu Âu.
Một là phải hỗ trợ tài chính, khoảng 3 tỷ euro, hai là bãi bỏ visa cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào Liên minh châu Âu kể từ tháng 7/2016, ba là cho Thổ Nhĩ Kỳ được trở lại tham dự đầy đủ như một thành viên của Hội đồng châu Âu và cuối cùng, là mở lại hồ sơ xin gia nhập EU của nước này.
Cả 4 điều kiện này đều được đưa ra khi Thổ Nhĩ Kỳ ý thức rất rõ được rằng họ đang nắm trong tay lợi thế đàm phán rõ rệt so với châu Âu. Nói cách khác là ở thời điểm này, châu Âu cần Thổ Nhĩ Kỳ hơn Thổ Nhĩ Kỳ cần châu Âu.
Chuyến thăm của Thủ tướng Đức Angela Merkel càng khẳng định điều này, khi bà Merkel đồng ý ủng hộ cả 4 điều kiện trên của Thổ Nhĩ Kỳ. Việc Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Davutoglu lên tiếng bác bỏ thỏa thuận với EU là một nước đi tiếp theo của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc gây sức ép buộc EU phải có những nhượng bộ lớn hơn.
Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ cần viện trợ tài chính từ EU mà còn cần cả những nhượng bộ chính trị, mà cấp thiết nhất trước mắt là việc bỏ visa cho các công dân Thổ Nhĩ Kỳ, đầu tiên là các chính khách và sau đó đến sinh viên. Thổ Nhĩ Kỳ đang hoàn toàn ý thức được sức mạnh đàm phán của họ nên muốn ra giá cao nhất với châu Âu có thể.
Chặng đường trắc trở vào EU
Đây là vấn đề vô cùng nan giải và sẽ phải mất rất nhiều thời gian với ngã ngũ. Rất nhiều thành viên EU phản đối kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là các thành viên Đông Âu và Bắc Âu.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn vấp phải một rào cản rất lớn đó là sự phủ quyết của đảo Síp đối với bất cứ ý định nào của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm gia nhập EU. Đảo Síp có mối quan hệ chính trị, lịch sử vô cùng căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ do một phần lãnh thổ của đảo quốc này vẫn do lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng và ở đảo Síp vẫn tồn tại một chính phủ ly khai thân Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngay bản thân trong nước Đức, dù bà Merkel tuyên bố ủng hộ việc mở lại hồ sơ gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ thì rất nhiều đảng phái phản đối việc này.
Cuộc khủng hoảng người tị nạn có thể khiến châu Âu rơi vào thế bị động và phải nhân nhượng Thổ Nhĩ Kỳ để đảm bảo dòng người tị nạn không đổ về châu lục này nhưng việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU là không khả thi trong trung hạn.
Vấn đề không phải là quy mô kinh tế. Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia có thực lực, với dân số lên tới gần 80 triệu người, gần bằng Đức, một lực lượng quân đội hùng mạnh bậc nhất trong NATO và một nền kinh tế đứng trong top 20 thế giới nên nếu gia nhập EU, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một thế lực đáng kể.
Vấn đề mà EU luôn từ chối Thổ Nhĩ Kỳ đó là do các khác biệt quá lớn về tôn giáo, khi nền tảng của các nước EU là Thiên chúa giáo trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng nghiêng về Hồi giáo. Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị chỉ trích nhiều trong thời gian qua với các vấn đề về quyền tự do công dân, nhân quyền.
Trên hết, đó là những lo ngại về an ninh khi Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu nay đã là vùng đệm để nhiều lực lượng cực đoan xâm nhập châu Âu. Vì thế, việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU là vô cùng khó khăn.
Triển vọng quan hệ EU-châu Âu
Xét cho cùng, cả châu Âu lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều cần hợp tác với nhau.
Việc phải tiếp nhận và xử lý 2,2 triệu người tị nạn Syria là gánh nặng vô cùng lớn với Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này cho biết đã phải chi đến 7 tỷ euro trong 2 năm qua để xử lý vấn đề này nên nếu không có trợ giúp tài chính từ EU thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vô cùng vất vả.
Ngoài ra, ở thời điểm nảy, chính quyền của Tổng thống Erdogan và Thủ tướng Davutoglu đang cần có một sự hợp tác tốt với EU để thu hút sự ủng hộ của cử tri nước này trước thềm cuộc bầu cử vô cùng quan trọng vào ngày 1/11 tới.
Vì vậy, dù đưa ra nhiều yêu sách nhưng cuối cùng chính quyền Ankara cũng sẽ hợp tác với EU.
Về phía EU thì trước sau vẫn cần phải có sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ nếu không muốn bị nhấn chìm bởi dòng người tị nạn.
Vì thế, hai bên sẽ tìm ra được phương thức hợp tác có lợi cho cả hai./.