Một cuộc chiến dù là chính nghĩa hay phi nghĩa thì các bên đối kháng đều phải chịu hậu quả thiệt hại về nhân lực và tài chính. Cuộc chiến càng gay go ác liệt và càng kéo dài thời gian thì càng tốn kém.
Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ra đời là một “hiện tượng quái thai” trong lịch sử nhân loại. Một nhà nước tự xưng nhưng thực chất không phải là nhà nước mà là đội quân ô hợp của những kẻ hiếu chiến. Có thể nói rằng: cả thế giới đang đối mặt với một kẻ thù chung IS. Nếu sự bành trướng của chúng không bị ngăn chặn sẽ là thảm họa cho nhân loại.
Mỹ và đồng minh đã tấn công IS hơn một năm qua. Gần đây, nước Nga chính thức tham chiến. Có thể nói lần đầu tiên (sau đại chiến Thế giới thứ II chống Phát xít) Nga và Mỹ lại cùng chung một chiến tuyến chống kẻ thù. Tuy nhiên, hai nước này vẫn có nhiều quan điểm khác biệt, thậm chí không ngừng công kích, tố cáo lẫn nhau trên các diễn đàn về động cơ xung quanh cuộc chiến tại Syria. Phía Mỹ cho rằng Nga lợi dụng việc tấn công IS, đã bắn tên lửa và thả bom xuống nơi đóng quân của các lực lượng đối lập (được Mỹ hậu thuẫn) chống Chính quyền Tổng thống Syria Assad, phía Nga lại cho rằng Mỹ và liên quân lợi dụng việc chống IS đã tấn công cả quân Chính phủ hợp pháp ở Syria.
Hai cường quốc quân sự Mỹ và Nga đang phải chịu nhiều chi phí tốn kém trong cuộc chiến chống IS. Trong hơn một năm qua, riêng Mỹ (không kể đồng minh) đã tiêu tốn hàng tỷ USD , bình quân mỗi ngày mất khoảng 10 triệu USD. Mỹ đã sử dụng nhiều loại vũ khí đắt đỏ như tên lửa hành trình (đã bắn 47 quả tên lửa Tomahawh) mỗi tên lửa trị giá khoảng 1,5 triệu USD (trị giá trên 30 tỷ đồng tiền Việt Nam). Cho dù chi phí lớn như vậy, nhưng dư luận cho rằng việc Mỹ tấn công IS hơn một năm qua hiệu quả rất thấp (có khi một quả tên lửa mới tiêu diệt được một người lính IS (có thể do khả năng trinh sát nắm bắt vị trí trú quân, kho tàng đối phương không chính xác). Trước khi Nga chưa tham chiến, Mỹ không ngăn chặn được IS, đội quân này ngày càng đông và càng bành trướng ra diện rộng.
Đối với Nga sau khoảng ba tuần không kích đã tốn kém hàng trăm triệu USD. Trung bình mỗi ngày chi phí khoảng gần 3 triệu USD, để nuôi quân, bảo đảm hậu cần, vũ khí. Ngoài các loại bom, tên lửa bắn từ máy bay, Nga cũng đã sử dụng 26 tên lửa hành trình bắn từ biển Caspian (mỗi quả trị giá khoảng 1,6 triệu USD).
Hai cường quốc đều đã sử dụng tên lửa hành trình, đây là loại vũ khí ưu việt nhưng vô cùng đắt đỏ (hiện nay thế giới có khoảng 10 nước có khả năng chế tạo). Tên lửa hành trình đòi hỏi kỹ thuật điều khiển phức tạp, đặc biệt khi ứng dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) tên lửa có thể đánh trúng mục tiêu gần như chính xác tuyệt đối. Loại vũ khí này còn có thể tự vệ vượt qua các phương tiện phòng không đối phương. Đến nay chỉ có một số nước đưa loại tên lửa này vào thực chiến đó là Mỹ và một số nước NATO trong cuộc chiến vùng Vịnh và Nga trong cuộc chiến Sy ria. Cuộc chiến chống IS bao giờ kết thúc là một câu hỏi không ai có thể tiên lượng được. Chiến tranh càng kéo dài cũng đồng nghĩa với sự tốn kém càng tăng về nhân lực và vật lực. Nếu chỉ tấn công bằng không quân và tên lửa tầm xa mà không có bộ binh tham chiến (trong tình thế bộ binh nước sở tại không mạnh) thì chắc chắn không thể nào tiêu diệt IS tận gốc.
Hai quốc gia Syria và I rắc bị IS xâm chiếm một vùng rộng lớn bởi vì quân đội của hai nước này sau nhiều năm nội chiến đã bị thiệt hại nặng nề, sức chiến đấu yếu kém. Các tổ chức khác (các nhóm ly khai chính phủ) cũng chống IS, nhưng lại phân tán, thiếu bài bản, không có đầu mối tập hợp trong một chiến tuyến thống nhất. Khả năng Mỹ (cùng liên quân) và Nga sẽ không đưa bộ binh vào tham chiến, vì nếu đưa bộ binh vào Syria mà cuộc chiến diễn ra kéo dài họ sẽ bị sa lầy. Bài học lịch sử mà hai cường quốc trên đã từng vấp phải sa lầy, bị tổn thất nặng nề đó là trong cuộc chiến Afganistan (1978-1992) Liên Xô đã thiệt hại trên 14 nghìn binh sĩ, trên 400 máy bay, trên 100 xe tăng... Mỹ sa lầy trong cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông (2003- 2011) thiệt hại khoảng trên 4 nghìn binh lính và tiêu tốn khoảng 2-3 tỷ USD.