Trung - Anh: Những lời nói của chính trị gia tiền nhân

09:10, 31/10/2015

Nhà văn (giải Nobel Văn học năm 1953), nhà chính trị đó là cựu Thủ tướng Anh Winston Churichill (1941-1945) khi còn đương nhiệm đã để lại câu nói nổi tiếng: “Nước Anh không có bạn bè vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”.

Đặng Tiểu Bình (chưa bao giờ trở thành nguyên thủ quốc gia, chức vụ cao nhất ông ta nắm giữ chỉ là Phó thủ tướng Quốc vụ viện, Chủ tịch Ủy ban quân sự Trung Quốc) được coi là nhà cải cách vĩ đại của Trung Quốc từ những năm 1980, ông từng nói: “Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, quan trọng nhất là bắt được chuột”.

 

Câu nói của Đặng Tiểu Bình không trở thành luận điểm của một học thuyết mang tính kinh điển, nhưng nó thể hiện quan điểm của Bắc Kinh trong quan hệ quốc tế về tính thực dụng của người Trung Quốc.

 

Những ý tưởng về cải cách của Đặng Tiểu Bình đã trở thành phương châm hành động và làm cho lịch sử Trung Quốc bước sang một trang mới. Về kinh tế, Trung Quốc bắt đầu xóa bỏ bao cấp, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng phát triển. Về ngoại giao, nước này “chơi” với bất cứ quốc gia nào (khi có lợi) không cần quan tâm đến sự khác biệt về chế độ chính trị, ý thức hệ, kể cả những quốc gia đã từng là thù địch.

 

Đường lối kinh tế và ngoại giao mới đã đưa Trung Quốc - đất nước hơn một tỷ dân từ nghèo đói trở thành cường quốc có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với GDP hiện nay khoảng gần 10 nghìn tỷ USD.

 

Trong lịch sử, Anh và Trung Quốc vốn là hai quốc gia thù địch. Đế quốc Anh đã từng xâm lược, đô hộ Trung Quốc, có những giai đoạn đánh nhau liên miên như hai cuộc chiến tranh nha phiến xảy ra vào thế kỷ XIX. Triều đình Mãn Thanh thua trận đã phải chấp nhận cho người Anh tự do buôn bán nha phiến và mở các thương cảng cho tàu bè phương Tây tự do ra vào, Trung Quốc phải ký hiệp ước bất bình đẳng với Anh, cắt Hồng Kong cho Anh...

 

Lần đầu tiên nước Anh nói chung và Hoàng gia Anh nói riêng đã mời và tiếp nguyên thủ Trung Quốc Tập Cận Bình một cách trọng thị. Dư luận cho rằng trong bối cảnh kinh tế hiện nay và dự liệu về sau, người Anh đang cần tiền đầu tư của Trung Quốc, và Anh biết vị thế Trung Quốc ngày càng lớn mạnh có vai trò rất quan trọng đối với thế giới. Cho dù về đẳng cấp thì nước Anh vẫn ở tốp trên, họ là cường quốc đúng nghĩa về cả kinh tế, khoa học kỹ thuật và sự giàu có (Anh là thành viên G7) trong khi đó Trung Quốc vẫn xếp ở nhóm các nước đang phát triển, tỷ lệ số dân nghèo vẫn rất cao (nay có khoảng 100 triệu người nghèo).

 

Sau mấy chục năm cải cách kinh tế, đất nước Trung Quốc đã tạo được nguồn lực vật chất và nguồn tài chính khổng lồ. Về khía cạnh nào đó có thể nói nhà nước Trung Quốc đang “thừa tiền”, họ muốn đầu tư vào bất cứ nơi đâu có thể thu được lợi ích và tạo vị thế chính trị trên cơ sở từ đầu tư, viện trợ kinh tế, tài chính.

 

Nước Anh vốn là trung tâm tài chính toàn cầu, là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới, nhiều thập kỷ có nền kinh tế phát triển ổn định nhất trong khối G7, GDP bình quân khoảng 40 nghìn USD/người/năm. Anh là trụ cột chính của 16 thành viên trong Khối thịnh vượng chung.

 

Việc Trung Quốc đầu tư vào Anh chẳng những sinh lợi mà chắc chắn còn bảo tồn được vốn vì nền kinh tế Anh phát triển tốt (khi mà đâu tư nội địa sinh lợi ít). Anh cũng là quốc gia phương Tây đầu tiên và duy nhất hưởng ứng nhiệt tình trong việc góp vốn vào Ngân hàng phát triển hạ tầng châu Á do Trung Quốc khởi xướng và nắm quyền chi phối. Trung Quốc cũng muốn thông qua Anh để mở rộng đầu tư và thương mại vào các nước khối EU.

 

Việc vừa qua nữ Hoàng Anh Elizabeth II mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm và có các nghi thức tiếp đón cực kỳ trọng thị được coi là một động thái ngoại giao đặc biệt. Hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư thương mại, dịch vụ với trị giá khổng lồ lên tới 30 tỷ bảng Anh (một kỷ lục trong lịch sử thế giới). Đặc biệt là Anh đồng ý để Trung Quốc đầu tư xây dựng nhà máy điện nguyên tử tại Anh dự kiến trị giá lên tới trên 20 tỷ bảng Anh, ngoài ra còn có nhiều công trình xây dựng và hợp tác dịch vụ quan trọng như xây dựng đường sắt cao tốc, phát hành trái phiếu Trung Quốc tại Anh...

 

Anh là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc tại Liên minh châu Âu, năm 2014 buôn bán hai chiều đạt khoảng 90 tỷ USD. Về khía cạnh kinh tế, chuyến thăm của Tập Cận Bình đến Anh thực sự đã mở ra “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ hai nước.

 

Tuy nhiên trong quan hệ ngoại giao hai nước không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Anh vẫn luôn cho rằng Trung Quốc là một quốc gia thiếu dân chủ, vi phạm nhân quyền, thanh trừng người bất đồng chính kiến, đàn áp tôn giáo... Việc Anh quan hệ quá sâu sắc với Trung Quốc đã làm cho Mỹ không hài lòng (Anh là đồng minh trung thành nhất của Mỹ) phía Mỹ cảnh báo việc Anh mở rộng cửa để Trung Quốc đầu tư vào một số lĩnh vực nhạy cảm có nguy cơ xâm hại đến bí mật công nghệ, an ninh quốc gia và an ninh cho cả các nước đồng minh của Mỹ.