Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết về cuộc chiến chống IS

15:22, 21/11/2015

Sáng 21-11, Liên Hợp Quốc đã thông qua Dự thảo nghị quyết kêu gọi các nước thành viên thực hiện các biện pháp cần thiết tiêu diệt IS ở Iraq và Syria.

Dự thảo nghị quyết được Pháp đệ trình với các thành viên Hội đồng bảo an ở cấp Đại sứ ngày 19-11. Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc tăng cường phối hợp để ngăn ngừa và triệt tiêu tất cả các hành động khủng bố do tổ chức Nhà nước Hồi giáo cũng như các nhóm cực đoan khác có liên quan tới lực lượng khủng bố Al-Qaeda tiến hành.

 

Nghị quyết chỉ rõ, tổ chức Nhà nước Hồi giáo là mối đe dọa chưa từng có ở quy mô toàn cầu đối với an ninh và hòa bình quốc tế; cảnh báo, tổ chức Nhà nước Hồi giáo có ý định tiến hành thêm các cuộc tấn công khủng bố. Các quốc gia thành viên cần phải nỗ lực hết sức, thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết, theo luật pháp quốc tế, nhất là luật nhân đạo, người di cư và nhân quyền quốc tế để chống lại sự tàn bạo của tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

 

Nghị quyết cũng đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên ngăn chặn và triệt tiêu nguồn cung cấp tài chính cho chủ nghĩa khủng bố. Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc, ông Matthew Rycroft, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an nói: “Chúng tôi gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng, sẽ không có sự trì hoãn nỗ lực tập thể nhằm ngăn chặn và triệt tiêu  tổ chức Nhà nước Hồi giáo”.

 

“Dù là ở đường phố Paris hay Beirut, hay trên bầu trời Sinai, sự tàn ác của tổ chức Nhà nươc Hồi giáo là bất chấp mọi ranh giới. Sự quyết tâm của tổ chức khủng bố này trong việc tiến hành các vụ tấn công trên khắp thế giới cần phải bị ngăn chặn và giải quyết ở bất cứ đâu chúng ta tìm thấy chúng”, Đại sứ Matthew Rycroft. Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc không cung cấp cơ sở pháp lý nào cho hành động quân sự tại Syria hiện nay và không viện dẫn Chương 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc về việc cho phép sử dụng lực lượng quân sự.

 

Bản dự thảo nghị quyết do Pháp đề xuất đã không vấp phải một sự phản đối nào từ 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là bởi đến nay, cả 5 quốc gia này đều có công dân bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo hành quyết hoặc thiệt mạng do tấn công khủng bố. Dù còn một số vấn đề liên quan tới một số điều khoản nhưng dự thảo ngay sau đó nhanh chóng được "in mực xanh" (các bản dự thảo cuối cùng trước khi đưa ra biểu quyết sẽ được in mực xanh) mà không trải qua tiến trình thảo luận, tham vấn nào.

 

Nga sau đó đã đề nghị phải đề cập tới Điều 51 trong Hiến chương Liên Hợp Quốc về quyền tự vệ và nguyên tắc chủ quyền nhà nước vào dự thảo và được Pháp chấp thuận. Dự thảo nghị quyết chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo được Pháp đề xuất chỉ 1 tuần sau khi xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố tại Paris khiến ít nhất 129 người thiệt mạng, hơn 300 người bị thương.

 

Phát biểu sau cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc Francois Delattre cho biết: “Pháp đã tăng cường các nỗ lực quân sự tại Syria nhằm chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ triển khai máy bay Charles de Gaulle, tăng gấp 3 nỗ lực không kích. Nghị quyết này sẽ giúp chúng tôi phối hợp hành động tốt hơn với các đối tác quốc tế và đặc biệt là các thành viên Hội đồng Bảo an”.

 

Cùng với Pháp, nhiều nước trên thế giới đã bày tỏ ý định muốn tiến hành hoặc đẩy mạnh các hành động quân sự để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo trong bối cảnh thế giới đang phải liên tiếp chứng kiến những vụ tấn công khủng bố như ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Lebanon hay Pháp. Nước Anh một lần nữa nhắc lại ý định không kích “những kẻ làm dấy lên mối đe dọa đối với nước Anh, người dân Anh và các lợi ích của nước Anh”. Kế hoạch này chưa được Nghị viện Anh thông qua vì cho rằng, Anh còn thiếu các kế hoạch chiến lược và toàn diện. Tuy nhiên, đầu tuần này, Thủ tướng Anh David Cameron nói rằng, ông sẽ trình Nghị viện một “chiến lược toàn diện” chống tổ chức Nhà nươc Hồi giáo, trong đó bao gồm cả chiến dịch không kích tại Syria. 

 

Còn Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, chiến dịch của Nga chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria tới nay vẫn là chưa đủ và cần phải có giai đoạn tiếp theo. Quốc hội Nga ngày 20/11 cũng thông qua nghị quyết kêu gọi các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với khủng bố, các biện pháp an ninh công cộng chặt chẽ hơn, và các hàng động mới chống chủ nghĩa cực đoan.