Khủng bố và thân phận người nhập cư

10:17, 21/11/2015

Trước đây dư luận đã suy đoán về việc những phần tử IS có thể trà trộn vào đoàn người di cư từ Bắc Phi, Trung Đông đến châu Âu để tiến hành các cuộc  khủng bố.  Đến nay những lo ngại đó đã xảy ra, cùng một thời điểm, ngày 13-11 có 6 cuộc khủng bố ở Pháp làm 132 người thiệt mạng. Những nghi phạm đó đều liên quan đến các phần tử thuộc Nhà nước Hồi giáo cực đoan IS.

Qua vụ khủng bố này, chắc chắn châu Âu sẽ kiểm soát gay gắt hơn làn sóng người Hồi giáo nhập cư. Thậm chí một số quốc gia đã lập tức tuyên bố sẽ không tiếp nhận người nhập cư với lý do an ninh, vì sợ rằng trong cộng đồng nhập cư ấy sẽ có rất nhiều kẻ khủng bố giả danh thường dân.

 

Tại các nước châu Âu vốn đã có hàng chục nghìn người tình nguyện đi theo IS, có một số đã quay lại châu Âu, tạo ra mạng lưới rộng khắp làm cho các lực lượng an ninh không thể nào kiểm soát được. Các cuộc cách mạng với tên gọi mỹ miều là Mùa Xuân Ả rập với danh nghĩa dân chủ, tự do được Mỹ và Phương Tây cổ vũ, hậu thuẫn đã lật đổ hầu hết chính phủ các nước Bắc Phi, Trung Đông, các chế độ mới ra đời không kiểm soát được đất nước, các đảng phái, phe nhóm đấu đá, bạo lực, hỗn loạn, vô chính phủ, nhân dân vô cùng cực khổ là nguyên nhân chính gây ra thảm họa làn sóng di cư.

 

Gần đây sự xuất hiện của nhà nước IS hoành hành ở Ai cập, Syria, Libia (và ở Ả rập xêút, Yemen, I rắc, Pakistan)... đã sát hại hàng trăm nghìn người vô tội, hàng chục nghìn người mất nhà cửa, không có kế sinh nhai phải di cư sang các nước láng giềng và châu Âu lánh nạn.

 

Từ đầu năm đến nay đã có khoảng 300 nghìn người, chủ yếu ở Sy ria, Libia đã vượt biển Địa Trung Hải vào các quốc gia liên minh châu Âu. Tại thời điểm hiện nay, trung bình mỗi ngày có 5 nghìn người nhập cư, dự đoán hết năm 2015 sẽ có khoảng 1 triệu người tiếp tục đến châu Âu (có 3.400 người đã bị thiệt mạng do đắm tàu, đói khát, bệnh tật trên đường di chuyển).

 

Việc tiếp nhận người nhập cư bấy lâu nay đã trở thành đề tài tranh cãi gay gắt của nhiều nước trong liên minh EU. Một số quốc gia sẵn sàng tiếp nhận, một số nước kiên quyết đóng cửa biên giới, đây là lần đầu tiên châu Âu chia rẽ một cách sâu sắc.

 

Dư luận thế giới cho rằng châu Âu tiếp nhận người nhập cư không chỉ có lý do đơn thuần là việc làm nhân đạo, một số quốc gia còn coi đó là nguồn lực lao động dồi dào bổ sung lao cho họ vì rất nhiều nước châu Âu đang thiếu lao động trầm trọng (thiếu cả lao động đơn giản và lao động có chất lượng cao).

 

Thế giới đang có một sự tương phản về bức tranh dân số, tại nhiều nước châu Á, châu Phi, chính phủ phải dùng mọi biện pháp và vận động nhân dân kiềm chế sinh đẻ thì tỷ lệ sinh ở châu Âu rất thấp, dân số đang bị già hóa. Một số nước có nguy cơ giảm sinh tự nhiên và giảm sinh do yếu tố tâm lý của nhiều thanh niên không muốn sinh con đẻ cái. Dự báo trong những thập niên tới nguồn lao động châu lục này tiếp tục giảm. Đức là quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất châu Âu, dân số 81 triệu người, trong khoảng vài thập niên tới có thể sẽ giảm xuống còn khoảng 70 triệu, và số dân cư cao tuổi sẽ chiếm rất lớn. Việc bổ sung nguồn nhân lực của một số nước châu Âu có thể nói là một mục tiêu chiến lược có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai, do đó lao động nhập cư được coi như một nguồn bổ sung quan trọng.

 

Tuy vậy, chưa bao giờ châu Âu lại rơi vào tình thế khó xử về vấn đề người nhập cư như hiện nay. Ở các nước nằm trong vùng đệm quá cảnh và tại các nước mà người nhập cư hướng đến đều có nguy cơ đối mặt với sự bất ổn về an ninh, trật tự an toàn xã hội, bạo lực, sự kỳ thị sắc tộc có thể xảy ra bất cứ nơi đâu.

 

 Ở một số nước, gánh nặng tài chính, việc làm, chỗ ở cho người nhập cư đang là thách thức lớn. Vì lý do an ninh, lo sợ khủng bố, chắc chắn trong thời gian tới cánh cửa của người Hồi giáo để vào châu Âu sẽ bị siết chặt và về mặt tâm lý người bản địa chắc chắn không tránh khỏi mặc cảm đối với người nhập cư.