Liên hợp quốc: 191 và 2 - hiệu lực của số đông?

10:45, 07/11/2015

Từ khi thành lập đến nay, Liên hợp quốc vẫn phải chịu những vấn đề bất hợp lý do lịch sử để lại. Trong và sau thế chiến thứ hai, những quốc gia thắng trận chia quyền với 5 thành viên Thường trực Hội đồng bảo an: Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô (sau chuyển cho Nga), Đài Loan (sau chuyển cho Trung Quốc).

Hội đồng bảo an đến nay có 193 quốc gia, tuy nhiên quyền lực chi phối những vấn đề quan trọng trên thế giới của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh chủ yếu nằm trong tay các nước thành viên Thường trực.

 

Trong quy định, các thành viên Thường trực có quyền hạn rất lớn, việc bỏ phiếu biểu quyết (thông qua các dự thảo nghị quyết), dù đa số đồng thuận cũng không áp đảo được thiểu số. Bất cứ một dự thảo nghị quyết nào chỉ cần một thành viên Thường trực dùng quyền phủ quyết là dự thảo không bao giờ trở thành nghị quyết chính thức và không có hiệu lực ban hành.

 

Thường thì trong nhóm 5 nước Thường trực có 3 nước thực sự có quyền chi phối đó là Mỹ, Nga và Trung Quốc. Họ thường sử dụng các quyền phủ quyết hoặc đồng thuận theo quan điểm và lợi ích của mình (từ xưa đến nay Anh, Pháp hầu hết đều đồng ý với Mỹ trong việc bỏ phiếu tán thành hay phản đối). Trong ba nước thực sự có quyền chi phối thì Mỹ có quyền lực chi phối mạnh nhất.

 

Tại cuộc họp Đại hội đồng bảo an Liên hợp quốc mới đây (28-10), một lần nữa thế giới lại tỏ ra bất bình trước việc hai nước Mỹ và Isral lại tiếp tục phản đối Dự thảo Nghị quyết yêu cầu Mỹ xóa bỏ cấm vận đối với Cuba, trong khi đó có 191 phiếu tán thành xóa bỏ cấm vận Cuba. Khi Mỹ đã phủ định cũng đồng nghĩa với việc thế giới chưa thể xóa bỏ cấm vận Cuba.

 

Vì sao việc phủ quyết của Mỹ có hiệu lực ảnh hưởng đến toàn cầu? Thực tế Mỹ vẫn là cường quốc số một thế giới, trong lịch sử họ đã dùng nhiều chính sách của kẻ mạnh áp đặt, trừng phạt nhiều nước trên thế giới. Có những giai đoạn lịch sử dư luận cho rằng Mỹ đã dùng chính sách bá đạo về kinh tế, chính trị trừng phạt nhiều nước yếu thế không đi theo quỹ đạo của Mỹ.

 

Việc trừng phạt là công cụ của một tổ chức mạnh hoặc một quốc gia mạnh áp đặt đơn phương đối với một nước yếu hơn. Hiện nay, Mỹ vẫn là siêu cường với nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới với GDP trên 17 nghìn tỷ USD (chiếm gần 30% tổng GDP toàn cầu).

 

Nền tài chính, kinh tế Mỹ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hầu hết các trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại lớn khắp các châu lục và có sự liên thông phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống tài chính, thanh toán toàn cầu bằng USD, biến động tỷ giá đồng USD, quan hệ thương mại... Sự lệ thuộc kinh tế, tài chính vào Mỹ vô tình đã trở thành công cụ cho Mỹ trừng phạt kinh tế một cách hữu hiệu đối với bất cứ tổ chức kinh tế hay quốc gia nào.

 

Có những đạo luật của Mỹ về việc cấm vận một quốc gia nào đó, cũng đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ cấm tất cả các nước là đồng minh của Mỹ, các công ty nước ngoài, các tổ chức tài chính, kinh tế thế giới (có quan hệ với Mỹ) không được quan hệ kinh tế thương mại với nước mà Mỹ đã cấm vận.

 

Từ xưa đến nay Mỹ đã cấm vận 20 quốc gia (có nhiều quốc gia do cả Liên hợp quốc cấm vận) rất nhiều nước bị Mỹ cấm vận đơn phương. Mỹ thường xuyên sử dụng cả hai công cụ chính trị (sự ảnh hưởng của Mỹ) và công cụ tài chính, kinh tế để trừng phạt các nước chống đối lại lợi ích của Mỹ.

 

Từ hơn nửa thế kỷ do Mỹ cấm vận Cuba, thế giới đánh giá là đã làm cho quốc đảo này thiệt hại khoảng 830 tỷ USD (phía Cuba cho là họ đã bị thiệt hại khoảng 950 tỷ USD). Mấy năm vừa qua quan hệ giữa Mỹ và Cuba đã được cải thiện, hai bên mở đại sứ quán, Mỹ cũng đã thực hiện việc nới lỏng cấm vận như không còn hạn chế kiều dân Cuba gửi tiền về quê và cho người thân hai bên đi lại thăm nhau...

 

Tuy nhiên, theo dư luận nhận định thì Mỹ (vừa với tư cách là thành viên Thường trực Hội đồng bảo an vừa là một siêu cường) còn lâu mới có thể dỡ bỏ lệnh cấm vận Cuba. Khi Mỹ đã không đồng ý cũng đồng nghĩa với việc chưa biết đến lúc nào Liên hợp quốc mới có thể ban hành Nghị quyết về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba.