Lúa mì lấn lướt gạo tại Hàn Quốc

07:53, 04/11/2015

Châu Á đang dành tình cảm đặc biệt cho lúa mì thay vì gạo - thực phẩm luôn đóng vai trò trọng tâm trong đời sống người dân khu vực.  

Hiện tượng này đặc biệt thịnh hành tại Hàn Quốc khi bánh mì dần trở thành món ăn phổ biến nhất. Từ những bà mẹ bận rộn ưu tiên bánh mì do sự tiện lợi cho tới người dân thành phố bị mê hoặc bởi hương vị đặc biệt của bánh mì, Hàn Quốc đang dẫn đầu xu thế ngày càng nở rộ ở châu Á này khi nhu cầu tiêu thụ lúa mì tại đây đã tăng mạnh kể từ năm 2008.

 

Lee Seung - Hee, một nữ nhân viên văn phòng 47 tuổi, thường xuyên cho hai con ăn bánh mì giữa các bữa, tuy chồng bà thích ăn cơm hơn nhưng khi quá bận rộn, bà chỉ có thể cho ông ăn bánh mì. Kang Byung - Oh, giáo sư kinh tế tại Đại học Chung - Ang nhận định: “Các bà nội trợ Hàn Quốc ngày càng ưa chuộng sử dụng bánh mì và cà phê cho bữa sáng muộn thay vì gạo và kimchi”.

 

Chỉ trong năm 2014, người dân Hàn Quốc đã mở hầu bao chi gần 6,36 nghìn tỉ won (tương đương 5,37 tỉ USD) cho các sản phẩm như bánh mì, bánh ngọt, sandwich... Trong khi đó, lượng tiêu thụ gạo tại Hàn Quốc đã đạt mức thấp kỷ lục chỉ 65,1 kg/người năm 2014 còn lượng tiêu thụ lúa mì lại lên mức cao nhất kể từ năm 2006 với trung bình 33,6 kg/người.

 

Koh Hee - Jong, giáo sư nông nghiệp và khoa học đời sống tại trường Đại học Quốc gia Seoul, cho biết cơn sốt lúa mì không chỉ dừng lại tại Hàn Quốc mà đã lan ra nhiều nước châu Á khác.

 

Từ Mumbai (Ấn Độ) cho tới Manila (Philippines), nhu cầu tiêu thụ bánh mì và mì sợi đã biến châu Á trở thành thị trường béo bở để xuất khẩu lúa mì. Trong vòng 5 năm trở lại đây, lượng lúa mì nhập khẩu của châu Á là hơn 40 triệu tấn/năm (tương đương với 25% lượng nhập khẩu trên toàn thế giới).

 

Tại Indonesia (đất nước nhập khẩu bột mì lớn thứ hai thế giới), việc tiêu thụ mì sợi ngày càng thịnh hành nên kể từ năm 2005, nước này đã đẩy mạnh nhập khẩu với mức 8 triệu tấn/năm.

 

Ngay cả ở Ấn Độ, đất nước trồng lúa mì lớn thứ hai trên thế giới, dự kiến trong năm nay sẽ tiêu thụ hơn 5 triệu tấn lúa mì. Nhu cầu tiêu thụ lúa mì tại Ấn Độ thường tập trung tại miền nam, nơi bánh mì naan và chapatti luôn tranh giành vị thế với gạo trong các bữa ăn của người dân.

 

Trong khi đó, nước láng giềng Bangladesh lại dự kiến nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn lúa mì/năm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ 4 triệu tấn trong nước. Humayra Ahmed, một nhân viên ngân hàng và bà mẹ hai con tại Dhaka, chia sẻ: “Trước đây chúng tôi thường ăn cơm cả ba bữa nhưng hiện tại chúng tôi chỉ ăn một bữa cơm/ngày”.

 

Trung Quốc cũng có nhu cầu tiêu thụ lúa mì mạnh và đạt lượng kỷ lục 118 triệu tấn năm 2014. Linda Li, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Mintel China, nói: “Đó là một phong cách sống mới, khách hàng thường thưởng thức bánh ngọt cùng với cà phê rồi trò chuyện cùng bạn bè”.

 

Lúa mì thường được tiêu thụ mạnh tại các thành phố lớn nơi tầng lớp trung lưu đang ngày càng bị hấp dẫn bởi thực phẩm tiện lợi từ bột mì như pizza, sandwich...

 

Với sản lượng trồng lúa mì tương đối khiêm tốn tại các nước châu Á, điển hình như Hàn Quốc chỉ sản xuất khoảng 1 đến 2% lượng tiêu thụ trong nước, thì Australia, Nga, Ukraine, Canada, Mỹ và châu Âu đều là phía được hưởng lợi nhiều nhất từ "hiện tượng bánh mì" tại châu Á với lượng xuất khẩu tăng 40% kể từ 2005.