Mi-an-ma: Chủ nhân giải Nobel và chiếc ghế Tổng thống?

09:00, 14/11/2015

Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) thắng cử, lẽ ra thủ lĩnh của đảng này là  bà Aungsan suu Kyi được bầu làm Tổng thống, nhưng điều khoản của Hiến pháp Mi-an-ma (năm 2008) đã chặn lối (hay ít nhất là làm chậm một nhịp) đối với bà trên con đường đi đến vị trí đỉnh cao quyền lực.

Hiến pháp Mi-an-ma hiện hành quy định: Ngăn chặn bất cứ ai có người thân trong gia đình mang quốc tịch nước ngoài trở thành Tổng thống (chồng và con của bà Aungsan suu Kyi đều mang quốc tịch Anh).

 

Còn một điều khoản nữa, đó là Quân đội có quyền phủ quyết Quốc hội hoặc bất cứ ai muốn thay đổi Hiến pháp. Quân đội vẫn được đặc quyền có 25% số ghế trong Quốc hội, lực lượng này có sức ảnh hưởng rất lớn trong đời sống chính trị, xã hội và quân đội vẫn nắm giữ nhiều lĩnh vực kinh tế chủ chốt. Hầu hết các sĩ quan cao cấp là người của Đảng cầm quyền hiện tại - Đảng đối đối lập lớn nhất với Đảng của bà Aungsan suu Kyi.

 

Như vậy, nếu muốn xóa bỏ các điều khoản trên thì trong nhiệm kỳ tới Quốc hội Mi-an-ma và hội đồng các địa phương phải tổ chức trưng cầu dân ý để sửa đổi Hiến pháp, thỏa hiệp và được sự chấp thuận của lực lượng quân sự... khi đo, bà Aungsan suu Kyi mới có thể có được bầu làm Tổng thống, nhưng việc trưng cầu dân ý (nếu có thực hiện) cũng phải chờ đến vài ba năm sau.

 

Theo tỷ lệ số phiếu thắng cử, chắc chắn người của đảng NLD sẽ làm Tổng thống vào năm 2016. Tại thời điểm đó, dĩ nhiên chủ nhân giải Nobel Hòa Bình là bà Aungsan suu Kyi chỉ có thể đứng sau hậu trường lãnh đạo với tư cách “nhiếp chính”, và với vai trò như một cố vấn. Nhưng thực tế các vị trí, chức danh đó không có trong Hiến định và luật định, nên có thể nói rằng bà sẽ không có quyền lực một cách chính danh.

 

Cuộc bầu cử năm 2010 được coi là dấu hiệu đầu tiên cho tiến trình dân chủ của Mi-an-ma, nhưng kết quả bầu cử (Đảng cầm quyền hiện nay thắng lớn) gây ra nhiều tai tiếng, các nhóm đối lập và phương Tây cho rằng có gian lận, không minh bạch trong bầu cử.

 

Những người thắng cuộc chủ yếu vẫn là lực lượng quân đội, người giữ chức Tổng thống Mi-an-ma (nhiệm kỳ hiện tại) vừa mới cởi bỏ quân hàm Thống tướng (phẩm hàm tương đương Nguyên soái) để mặc áo dân sự đó là ông UThein Sein (lãnh đạo từ năm 1992).

 

Cuộc bầu cử mới đây là lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Mi-an-ma được hưởng không khí bầu cử tự do, công bằng, minh bạch. Có trên 10 nghìn quan sát viên quốc tế và trong nước thực hiện việc giám sát tại các địa điểm bầu cử.

 

Mặc dù có 92 đảng phái nhưng trong chính trường Mi-an-ma chỉ có hai đảng ảnh hưởng mạnh đến đời sống chính trị của đất nước đó là Đảng đoàn kết và phát triển liên bang (USDP) của đương kim Tổng thống UThein Sein và đảng đối lập lớn nhất là đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) do bà Aung san suu Kyi lãnh đạo (bà được giải Nobel Hòa Bình năm 1991, bị Chính quyền quản thúc 25 năm).

 

Đảng cầm quyền của đương kim Tổng thống Thein Sein đã thất bại nặng nề, nhưng dư luận thế giới cũng đánh giá công bằng đó là ông đã dám từ bỏ quyền lực mở đường cho một cuộc bầu cử tự do, không có sự can thiệp của chính quyền.

 

Những khát vọng và mấy chục năm đấu tranh cho dân chủ, xây dựng xã hội dân sự của bà Aungsan suu Kyi đã thành hiện thực, khi đảng NLD chiến thắng vang dội trong kỳ bầu cử Quốc hội và hội đồng địa phương ngày 8-11. Mi-an-ma khép lại quá khứ lịch sử và bước vào một kỷ nguyên của nền chính trị mới, nhưng bất cứ đảng nào cầm quyền thì chặng đường phía trước vẫn còn lắm gian nan.

 

Trở thành quốc gia độc lập từ 1948, nhưng Mi-an-ma đường như chưa bao giờ bình yên vì những xung đột phe phái, các nhóm lợi ích, sắc tộc, tôn giáo. Quốc gia 90% dân số theo Phật giáo, nhưng dường như những triết lý nhân sinh của nhà Phật đã không giúp cho Mi-an-ma trở thành một xứ sở bình yên. Lòng người phân tâm, ly tán giằng xé trong một nền chính trị, xã hội hỗn mang trong mâu thuẫn, xung đột. Mi-an-ma có 92 đảng phái, 15 nhóm vũ trang sắc tộc, xung đột triền miên. Trong lịch sử đất nước này đặt dưới sự cai trị, sự kiểm soát của “bàn tay sắt đó là lực lượng quân sự.