Sức mạnh Nga: Cuộc chiến ngoài châu lục

10:00, 28/11/2015

Nền quốc phòng Nga sau khi kế thừa của Liên Xô bị suy sụp trong một thời gian dài. Không ít người cho rằng, biểu tượng sức mạnh của siêu cường Liên Xô sẽ mãi chỉ là dĩ vãng. Nhưng những dự đoán đó đã sai lầm, người Nga đã dần lấy lại vị thế của họ trên tất cả các bình diện kinh tế, chính trị, ngoại giao và đặc biệt là sức mạnh quân sự.

Cách đây chưa lâu, khi Nga sáp nhập bán đảo Crime, bị Mỹ, phương Tây cấm vận, giá dầu xuống đáy (dầu lửa là một trong những nguồn thu quan trọng nhất), đồng nội tệ mất giá... dư luận một lần nữa dự báo nền kinh tế Nga có thể sẽ sụp đổ. Tuy nhiên, đến thời điểm này lại chứng minh thêm một sự suy đoán không đúng với thực tế, nước Nga vẫn hùng mạnh và khẳng định vai trò cường quốc của mình.

 

Với vị thế chính trị: Nhiều vấn đề nóng bỏng trên thế giới nếu không có sự tham dự của Nga sẽ ít có kết quả tốt đẹp, thậm chí là thất bại. Về vị thế quân sự: Nga là một trong những quốc gia có khả năng phòng thủ tốt nhất (chống lại sự tấn công của đối phương) và cũng là một quốc gia có khả năng tham chiến ở phạm vi toàn cầu (hiện nay trên thế giới chỉ có Nga, Mỹ và một số ít quốc gia phương Tây có thể đơn phương tấn công một nước khác ở rất xa lãnh thổ của mình).

 

Tham chiến, tấn công tầm xa hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn km đòi hỏi phải có những điều kiện bắt buộc: Nếu ở tại chỗ tấn công kẻ thù thì phải có tên lửa hành trình tầm xa, có hệ thống điều khiển, định vị mục tiêu chính xác. Nếu đưa quân, vũ khí, hậu cần vận chuyển đi xa ra nước ngoài thì phải có phương tiện chuyên chở (chủ yếu là đường không, đường thủy, khó được chấp nhận quá cảnh vận chuyển quân và vũ khí qua các nước).

 

Việc Quốc hội Nga đồng ý cho Tổng thống Putin tấn công quân khủng bố tại Syria nằm trong những luận điểm Học thuyết quân sự mới của Nga, đó là chủ động ra đòn tấn công kẻ thù khi an ninh quốc gia có nguy cơ bị xâm hại và được hợp thức hóa bởi sự đề nghị của chính quyền Syria (bởi nhà nước Hồi giáo tự xưng I.S có thể tấn công khủng bố bất cứ nước nào).

 

Để chuẩn bị tấn công IS, tháng 9 vừa qua, Nga đã điều động nhiều máy bay đến lãnh thổ Syria. Điều đặc biệt đó là không có bất cứ hệ thống vệ tinh nào của Mỹ và phương Tây phát hiện Nga vận chuyển vũ khí, khí tài (người ta cho rằng các thiết bị gây nhiễu điện tử hiện đại của Nga đã làm mù mắt đối phương). Trong một thời gian ngắn Nga đã xây dựng được một căn cứ không quân rất mạnh tại Syria làm cho thế giới không khỏi ngạc nhiên.

 

Bấy lâu nay, Mỹ và Phương Tây vẫn thường “dìm hàng” vũ khí của Nga là già nua, lạc hậu (hầu hết từ thời Liên Xô), độ chính xác không cao. Tuy nhiên, các loại vũ khí, khí tài Nga đưa vào tham chiến chống khủng bố ở Syria được cho là hiện đại nhất, có một số phương tiện lần đầu tiên được sử dụng như máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-160 được sản xuất từ những năm 1980.

 

Tu-160 là loại máy bay ném bom to lớn nhất và chuyên chở được nhiều vũ khí nhất thế giới với khoảng 44 tấn đạn dược, như tên lửa hành trình hạt nhân, tên lửa đầu đạn thường tầm xa, bom hạt nhân, bom thông thường, thủy lôi... Máy bay Tu-160 cất cánh từ Kola (Nga) gần Bắc Cực bay vòng quanh châu Âu (tránh không phận có chủ quyền) qua Đại Tây Dương vào Địa Trung Hải thực hiện tấn công các mục tiêu của IS rồi lại trở về căn cứ ở Nga, tổng chiều dài đường bay 13 nghìn km (tiếp dầu trên không).

 

Mặc dù hầu hết các loại vũ khí, khí tài được sản xuất từ thời Liên Xô nhưng đã được nâng cấp, các loại máy bay đã thay radar. Tu-160 đã được cải tạo bằng hệ thống điện tử kỹ thuật số, được dẫn đường bằng vệ tinh định vị GLONASS, tên lửa dẫn đường bằng vệ tinh, bom dẫn đường bằng laser.

 

Người Nga luôn gây ra những bất ngờ từ cách bí mật vận chuyển vũ khí, khí tài và các phương thức tấn công. Theo lẽ thông thường, tên lửa hành trình tầm xa phải là đòn phủ đầu làm giảm sức chiến đấu, sau đó mới sử dụng máy bay thả bom, Nga đã làm ngược lại, dùng không quân tấn công một thời gian dài, sau đó bất ngờ phóng 26 quả tên lửa từ biển Caspi cách đích đến 1.600km (chuyển hướng 147 lần trên đường bay ở độ cao từ 80m-300m) đến trúng mục tiêu, một kiểu tấn công được dư luận cho là “vô tiền khoáng hậu”.

 

Như vậy, trong cuộc chiến này các phương tiện vũ khí, khí tài của Nga được xuất phát để tấn công IS từ căn cứ quân sự Nga trên đất Syria, từ biển Caspi và sử dụng máy bay chiến lược tầm xa từ lãnh thổ nước Nga cách Syria hàng chục nghìn km. Điều đó chứng minh khả năng sức mạnh quân sự của Nga trong việc tham gia giải quyết các nhiệm vụ bằng quân sự trên toàn cầu.