Kết thúc tuần làm việc đầu tiên, Hội nghị COP 21 đã đạt được nhiều kết quả và tuần tới sẽ mang tính quyết định cho việc ra đời một thỏa thuận toàn cầu mang tính ràng buộc về khí hậu. Tuy nhiên, các chuyên gia lo lắng thỏa thuận dù có đạt được cũng khó đủ để đảm bảo mục tiêu kìm hãm mức tăng nhiệt của trái đất không quá 2 độ C.
Ngày 6/12, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon tuyên bố các cuộc đàm phán đang tiến triển tốt và dự kiến đến thứ sáu tuần sau sẽ đạt được một thỏa thuận toàn cầu với mục tiêu tham vọng là cam kết giữ mức nóng lên của trái đất dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Trước đó, phát triển bế mạc “Ngày hành động “ tại COP 21, Tổng thư ký LHQ kêu gọi các nước cùng nỗ lực vì lợi ích chung. Ông Ban Ki Moon nhấn mạnh: “Một thỏa thuận có ý nghĩa sẽ tạo nên một khung chính sách quốc tế cần thiết để có thể huy động các hành động ở quy mô lớn trong mọi lĩnh vực để chống biến đổi khí hậu. Các hành động mạnh mẽ vì khí hậu sẽ tạo nên một đòn bẩy lớn cho phát triển bền vững toàn cầu. Và điều đó rất cần thiết để hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững. Nếu không có các hành động khí hậu thì sẽ không có phát triển bền vững.”
Cũng trong cuối tuần qua, Tổng thư ký LHQ đã công bố mối “quan hệ đối tác vì khí hậu 2016” và đề xuất sẽ có hội nghị thượng đỉnh “Hành động vì khí hậu 2016” vào hai ngày 5-6/5/2016 tại Washington, Mỹ.
Ngày 7/12, bộ trưởng 195 quốc gia thành viên công ước khung về biến đổi khí hậu của LHQ tiếp tục thảo luận về dự thảo thỏa thuận dài 48 trang được đưa ra giữa tuần vừa rồi. Các cuộc thảo luận đi vào chuyên sâu những vấn đề kỹ thuật như câu hỏi về các nỗ lực và phối hợp giữa các nước, các biện pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu và vấn đề gai góc về tài chính.
Nhiều chủ đề chính trị khó khăn vẫn chưa được thống nhất
Bộ trưởng ngoại giao Pháp – Chủ tịch COP 21 Laurent Fabius bày tỏ hy vọng thỏa thuận cuối cùng sẽ đạt được vào thứ năm tuần tới.
Phát biểu bế mạc “Ngày hành động” 5/12, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết cơn gió lạc quan đang thổi qua và các bên sắp tiến tới một thỏa thuận, song kêu gọi các bên đặt lợi ích chung của toàn hành tinh lên trên hết.
Tổng thống Pháp kêu gọi lãnh đạo các nước cố gắng vượt qua những lợi ích riêng của các vùng, các quốc gia, những lợi ích ở mức độ phát triển riêng để có thể cùng nhìn một cách tổng thể từ vị trí của toàn hành tinh.
“Những ai hài lòng với mức thấp nhất thì lại có nguy cơ phải chịu những thảm họa nặng nề nhất. Chúng ta đang gần tới đích. Chúng ta đã đi được phần lớn chặng đường. Chúng ta đang ở gần một thỏa thuận,” ông Francois Hollande nói.
Tuy nhiên, nhà thương lượng của Liên minh châu Âu Miguel Arias Canete tuyên bố: “Thẳng thắn mà nói thì tất cả các chủ đề chính trị khó khăn vẫn chưa được thống nhất”.
Các chuyên gia nhận định tranh cãi về tài chính vẫn dai dẳng, với ít tiến triển trong khoản tiền mà các nước nghèo nhất sẽ được hỗ trợ để ứng phó với biến đổi khí hậu từ năm 2020.
Một thỏa thuận chưa đủ
Vấn đề hỗ trợ tài chính của các nước giàu có cho các nước nghèo phương Nam cùng câu hỏi về việc phân chia nỗ lực giữa các quốc gia phát triển, mới nổi và các quốc gia đang phát triển không phải là những vấn đề gai góc duy nhất.
Câu hỏi “những mất mát và tổn hại” do những khoản hỗ trợ đối với một số nước phải chịu tác động không thể đảo ngược của tình trạng trái đất nóng lên hay việc thảo luận kỹ vào các cam kết quốc gia cũng là những vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Đa số các nước thành viên đã công bố các cam kết quốc gia về mức giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, nếu áp dụng đúng những cam kết đó, thì trái đất vẫn sẽ nóng lên khoảng 3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Trong khi đó, các nhà khoa học lo lắng rằng nếu vượt mức 2 độ C thì các vùng khô hạn hay nhiều lũ lụt, những vùng bị xói mòn… sẽ không thể thích ứng được.
Một trong những mục tiêu của Thỏa thuận Paris về khí hậu là thiết lập một cơ chế giám sát các thỏa thuận quốc gia – có thể xem xét định kỳ 5 năm một lần – để kiểm soát nhiệt độ không vượt ngưỡng mong muốn.
Theo nhóm chuyên gia liên minh phủ về tình trạng tăng của khí hậu, thì nhân loại chỉ có thể thải 1.000 tỷ tấn CO2 để duy trì mức tăng 2 độ C : đó được gọi là “ngân sách cácbon” của trái đất. Với những cam kết hiện nay của các quốc gia thì vào năm 2030, từ 72-75% ngân sách này sẽ bị sử dụng./.