Đất nước tự do và súng đạn

08:20, 12/12/2015

Hoa Kỳ được mệnh danh là đất nước thượng tôn pháp luật và coi trọng nhân quyền, trong đó có quyền tự do cá nhân, là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới vũ khí được bày bán công khai ở mọi nơi, mọi lúc. Có người đã từng nhận xét: Mua súng đạn ở Mỹ còn dễ hơn mua cà chua.

Hiến pháp Hoa Kỳ từ năm 1791 đã cho phép người dân tự do mua bán vũ khí mà không vi phạm pháp luật, mục đích là bảo đảm quyền tự vệ chính đáng của công dân, chống lại nguy cơ bị tấn công, áp bức. Nhưng việc sở hữu súng đạn đã gây ra nhiều hệ lụy xấu, nhiều cuộc tắm máu của người dân vô tội. Bạo lực từ vũ khí nóng có thể xảy ra mọi mơi, mọi lúc, chính quyền rất khó có thể kiểm soát.

 

Dĩ nhiên pháp luật Mỹ cũng có các quy định về việc mua bán, sở hữu vũ khí cá nhân, cấp phép kinh doanh, cấp quyền sử dụng, cấm một số đối tượng không được sở hữu súng (như người bị kết án tội bạo lực, người nghiện ma túy, người không kiểm soát được hành vi của mình, cấm người dưới 21 tuổi không được dùng vũ khí...).

 

Hiến pháp Hoa Kỳ chỉ quy định những điều cơ bản cho cả quốc gia, còn tại mỗi bang của nước này lại có quy định riêng, có những bang kiểm soát, quản lý kinh doanh, sở hữu súng chặt chẽ, có những bang lại hầu như thả lỏng.

 

Nước Mỹ có trên 320 triệu người thì có trên 270 triệu khẩu súng nằm trong dân, khoảng 40% gia đình sở hữu súng. Số vũ khí được giao dịch hợp pháp qua các đại lý chỉ chiếm khoảng 60%, số còn lại được mua bán cá nhân trao tay. Chính quyền không thể kiểm soát hết được các đối tượng mua vũ khí, họ có thể là người lương thiện dùng để tự vệ, cũng có thể vũ khí được buôn bán cho các băng đảng, những kẻ phạm tội gây án.

 

Ở Mỹ, các vụ xả súng xảy ra nhiều hơn bất cứ nước nào trên thế giới, hàng năm cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân vô tội. Từ đầu  năm 2015 đến nay có 355 vụ (bình quân mỗi ngày có khoảng 1 vụ) xả súng nghiêm trọng tại 220 thành phố thuộc 47 bang trên khắp nước Mỹ.

 

Những vụ xả súng đẫm máu gần đây như: Năm 2012  tại trường tiểu học ở Connecticut làm 20 học sinh thiệt mạng. Mới đây nhất, ngày 2-12-2015 vụ xả súng xảy ra ở Califonia làm 14 người thiệt mạng, 17 người bị thương.

 

Việc tự do mua bán, sở hữu súng đạn đã gây ra nhiều hậu họa, nhưng để quản lý hiệu quả (hoặc cấm cá nhân sử dụng) là một vấn đề hết sức khó khăn. Trong lịch sử, nhiều vị tổng thống Hoa Kỳ đã có ý định thắt chặt việc mua bán vũ khí cá nhân nhưng đều thất bại.

 

Trong hai nhiệm kỳ liên tiếp, với cương vị Tổng thống, ông Obama đã 15 lần bầy tỏ chính kiến và nhiều lần đưa ý kiến ra Quốc hội, thuyết phục các nghị sĩ để Quốc hội ban hành dự luật mới về việc thắt chặt kiểm soát súng đạn trong dân nhưng không được chấp thuận. Vì đa số nghị sĩ, đặc biệt là các nghị sĩ của Đảng Cộng Hòa không đồng ý việc cấm công dân sử dụng súng (ông Obama là Đảng Dân chủ). Qua nhiều lần trưng cầu dân ý hoặc điều tra xã hội học thì khoảng gần 60% số người được hỏi đều cho rằng người dân sở hữu súng là điều cần thiết.

 

Điều nghịch lý là sau vụ xả súng gần đây, một lần nữa Tổng thống Obama đã kêu gọi quản lý chặt việc buôn bán vũ khí tự do thì chính tại thời điểm đó việc buôn bán kinh doanh súng tăng đột biến, nhiều người dân Mỹ đổ xô đi mua súng để tự vệ cá nhân trong bối cảnh an toàn của họ có nguy cơ bị đe dọa.

 

Các vụ xả súng và các đối tượng gây án ở Mỹ có tính chất rất phức tạp, có thể là một băng đảng xã hội đen thanh trừng nhau, cũng có thể chỉ là một xích mích vô cớ, thậm chí có nhiều vụ do các em học sinh ăn trộm súng của gia đình mang đến trường xả súng vào bạn bè, cô giáo.

 

Hiện nay ở Mỹ đang có mối nguy cơ tiềm tàng về việc khủng bố bằng vũ khí. Lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhiều lần tuyên bố là sẽ xâm nhập, tấn công vào nước Mỹ. Việc mua bán súng đạn tự do ở Mỹ có thể sẽ là thị trường vũ khí tại chỗ cho IS gây án.

 

Việc sửa đổi Hiến pháp hoặc sửa đổi luật về việc kinh doanh, sở hữu vũ khí cá nhân ở Mỹ là vấn đề rất nan giải. Chưa có vị tổng thống nào thuyết phục được đa số nghị sĩ Quốc hội và đa số dân chúng để ban hành đạo luật siết chặt quản lý vũ khí cá nhân.