Sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga gần biên giới Syria, quan hệ hai nước Nga- Thổ Nhĩ Kỳ leo thang căng thẳng chưa từng có. Ngày 28/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bối cảnh các nước đang có quan hệ trao đổi thương mại với nhau, bất cứ lệnh trừng phạt kinh tế nào được đưa ra cũng sẽ tác động tới cả hai phía. Đất nước bị áp đặt biện pháp trừng phạt chịu ảnh hưởng đã đành, mà ngay chính bản thân nơi đưa ra lệnh trừng phạt cũng phải hứng chịu những tác động không nhỏ, theo chiều ngược lại.
Theo các chuyên gia Nga, các biện pháp trừng phạt mà Moscow đang áp đặt đối với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, thương mại giữa hai nước cơ bản phụ thuộc vào xuất khẩu của Nga, chủ yếu là lúa mì và khí đốt, những lĩnh vực mà hiện nay lãnh đạo Nga chưa đặt ra kế hoạch siết chặt lại.
Theo các biện pháp trừng phạt của Nga, kể từ ngày 01/1/2016, các công ty Nga sẽ không còn thuê công dân Thổ Nhĩ Kỳ và du lịch miễn thị thực giữa hai nước sẽ bị đình chỉ. Ngoài ra, trong tương lai gần, các cơ quan chức năng sẽ cấm việc sử dụng các nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ để thực hiện các đơn đặt hàng cấp nhà nước. Tuy nhiên, chính phủ hiện chưa quyết định cụ thể ngành công nghiệp nào sẽ chịu lệnh cấm này.
Website RBTH.com dẫn số liệu từ cơ quan thống kê Nga Rosstat cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Nga. Trong năm 2014, kim ngạch thương mại song phương của hai nước lên tới 31 tỷ USD, và trong 9 tháng đầu năm 2015, kim ngạch đạt 18,1 tỷ USD.
Phần lớn kim ngạch này là nhờ xuất khẩu của Nga. Ông Alexander Knobel, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu thương mại quốc tế tại Học viện Kinh tế Quốc dân và Hành chính Nga trực thuộc Tổng thống, phân tích: Trong năm 2015, nhập khẩu Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đạt khoảng hơn 3 tỷ USD. Vào cuối năm 2015, thương mại giữa hai nước dự kiến sẽ đạt 23-25 tỷ USD, với hàng hóa xuất khẩu của Nga đạt kim ngạch 20 tỷ USD, còn nhập khẩu chỉ có 4-5 tỷ USD.
Mối liên kết thương mại
Bài báo trên website RBTH.com cho biết, hàng hóa xuất khẩu của Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm chủ yếu là lúa mì và khí đốt, lĩnh vực này hiện chưa bị giới hạn. Trong năm 2014, Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 27,3 tỷ mét khối khí đốt, đưa nước này trở thành bạn hàng lớn thứ hai mua khí đốt của Nga sau Đức.
Về phần mình, trong 9 tháng đầu năm 2015, Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất khẩu 1 tỷ USD thực phẩm sang Nga, trong đó cà chua và trái cây chiếm hơn 50% số lượng nhập khẩu. Theo ông Knobel, Nga không muốn hạn chế nhập khẩu rau quả trước dịp Tết Dương lịch sắp tới. Ông dự đoán rằng Moscow có nhiều khả năng sẽ đẩy mạnh kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng xuất khẩu một số lượng lớn hàng hóa khác là vải vóc và hàng dệt may sang Nga. Nhiều nhà bán lẻ quần áo và giày dép của Nga đặt hàng với các nhà máy ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo thống kê của Rosstat, trong 9 tháng đầu năm 2015, Nga đã nhập khẩu gần 514 triệu USD hàng hóa vải vóc và dệt may từ Thổ Nhĩ Kỳ và khoảng 48 triệu USD giày dép các loại. Bà Olga Zhiltsova, Giám đốc điều hành của công ty Marketolog (nghiên cứu thị trường) dự đoán, nếu các biện pháp trừng phạt có ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực này, hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ có thể được chuyển sang Nga qua Belarus.
Thương mại sụt giảm
Tác giả Leonid Homeriki viết trên website RBTH.com rằng, các biện pháp trừng phạt có thể đẩy các công ty xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi thị trường Nga.
"Một số công ty Thổ Nhĩ Kỳ làm việc trong các phân khúc bất động sản, đặc biệt là bất động sản thương mại, và chúng tôi không loại trừ khả năng, một số công ty có thể từ bỏ một vài dự án quy mô lớn trong nước Nga. Chúng tôi không còn tin tưởng vào họ như những đối tác được nữa”, Bộ trưởng Xây dựng Nga Mikhail Men nói với hãng tin RBK của Nga.
Nhìn chung, các chuyên gia dự báo, thương mại song phương có thể sụt giảm tới hơn 50%. "Tôi không nghĩ rằng trong năm 2016, kim ngạch thương mại có thể lớn hơn 50%", Alexander Knobel nói.
Phải nói rằng, ông nói tiếp, tổn thất lớn nhất là từ các dự án chưa triển khai. Như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng tuyên bố trước đó, vào năm 2020 kim ngạch thương mại của nước này với Nga có thể đạt 100 tỷ USD.
Con số này phần lớn dựa trên những kỳ vọng thực hiện các dự án quy mô lớn cấp liên bang, như dự án đường ống khí đốt “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” và các nhà máy điện hạt nhân Akkuyu, mà các dự án này có nguy cơ “đổ bể” trong bối cảnh căng thẳng hiện nay, Knobel nói./.