Dù máy bay Nga có xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ hay không thì việc nước này bắn hạ phi cơ đã tạo ra nhiều phản ứng bất bình. Vì máy bay Nga đang thực hiện nhiệm vụ không kích các lực lượng của nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - bọn khủng bố này đang là kẻ thù chung của thế giới.
Không quânThổ Nhĩ Kỳ đã tạo ra sự cố, Ankara khó có thể thanh minh và không lường được những hệ lụy, tổn thất mà nước này phải gánh chịu. Là thành viên của NATO nhưng nhiều nước không đồng tình với Ankara đối phó với Nga. Thậm chí một số quan chức của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương còn cho rằng việc bắn máy bay Nga là hành động sai lầm, vì thế cuộc họp khẩn của NATO về vụ việc này đã không đưa ra được thông cáo chung.
Một điều khoản của Hiệp ước NATO quy định: Nếu một thành viên bị tấn công quân sự, thì Khối NATO coi như tất cả các nước thành viên bị tấn công. Nhưng trong trường hợp máy bay Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi không uy hiếp an ninh nước này mà đang thực hiện nhiệm vụ tấn công IS.
Thổ Nhĩ Kỳ đã làm cho các quan hệ song phương, đa phương và các tổ chức ly khai liên quan vốn đã phức tạp lại càng phức tạp thêm. Đó là mâu thuẫn giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ và đương nhiên là mâu thuẫn giữa Nga với NATO. Theo thông lệ một hành động quân sự của một thành viên NATO phải có sự tham vấn và đồng ý của tổ chức này. Sự việc cũng đã đẩy thêm mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Hai quốc gia chung đường biên giới này vốn có quan hệ rất phức tạp trong lịch sử, khi là bạn, là láng giềng thân thiện, nhưng lúc lại trở thành kẻ thù.
Chính quyền Syria bảo trợ, hậu thuẫn cho các nhóm người Kurd (Đảng Lao động PKK). Đây là sắc tộc người nước Thổ Nhĩ Kỳ sống dọc biên giới gần Syria, trong lịch sử luôn chống đối Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Người Kurd đã từng có ý định ly khai thành lập quốc gia riêng (hoặc là thành lập vùng tự trị). Họ có khoảng 15 triệu người (bằng 1/5 dân số nước này). Vì thế, khi máy bay Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi, dân quân người Kurd đã tuyên bố sẽ bắn hạ bất cứ máy bay Thổ Nhĩ Kỳ nào bay qua vùng không phận do họ kiểm soát và họ đã pháo kích dữ dội vào căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính quyền Ankara lại hậu thuẫn cho nhóm sắc tộc Kurk ở Syria sống gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhóm ly khai nước Syria có văn hóa, nhân chủng gần gũi với dân Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2011 sau khi Syria nội chiến, Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn đứng về phe của người Kurk giúp đỡ họ chống phá Chính phủ của Tổng thống Syria Assad. Thổ Nhĩ Kỳ cho họ xây dựng căn cứ trên đất nước mình và hỗ trợ tài chính, vũ khí cho nhóm này chống chính quyền Syria. Chính nhóm vũ trang Kurk đã bắn phi công Nga chết khi đang nhảy dù.
Sau sự cố máy bay bị bắn, Nga đã mở rộng, tăng cường tấn công IS ở khu vực giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Dư luận cho rằng, lợi dụng sự việc trên Nga còn trả đũa, ném bom những khu vực có các nhóm ly khai Syria thân với Thổ Nhĩ Kỳ. Không quân Nga đã phá nhiều giếng dầu, chặn đường vận chuyển vũ khí vào Syria cho IS và các nhóm vũ trang, chặn đường chuyên chở dầu của IS từ Syria vào nước Thổ Nhĩ Kỳ. Phía Nga cho rằng đang có thế lực ngầm ủng hộ và tiêu thụ nguồn dầu mỏ phi pháp của IS (ám chỉ Chính quyền Ankara). Mỗi ngày IS khai thác được khoảng 30 nghìn tấn dầu thô, buôn lậu qua các khâu trung gian vào Thổ Nhĩ Kỳ, mỗi tháng thu khoảng 50 triệu USD.
Gây hấn với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ bị thiệt đơn, thiệt kép. Tổng thống Nga Putin đã ký sắc lệnh trừng phạt Ankara như cấm nhập hàng hóa, cấm Nga sử dụng lao động người Thổ Nhĩ Kỳ, bãi bỏ thị thực nhập cảnh cho người Thổ, khuyến cáo người Nga không đi du lịch Thổ Nhĩ Kỳ. Hàng năm, công dân Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ rất đông (đứng thứ hai sau Đức) chi tiêu khoảng 4-5 tỷ USD tại thị trường du lịch này, góp phần tạo ra hàng trăm nghìn việc làm. Năm 2014, có 4,5 triệu lượt khách du lịch Nga, từ đầu năm đến tháng 9 -2015 có 3,3 triệu người Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ (du lịch là một trong những nguồn thu chính của nước này, năm 2014 doanh thu đạt 21 tỷ USD).
Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Nga, kim ngạch buôn bán bình quân hàng năm đạt trên 30 tỷ USD. Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu hơn nửa lượng khí đốt từ Nga (năm 2014 nhập 27 triệu mét khối). Mỗi năm nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá trên 240 tỷ USD (chủ yếu là máy móc, hóa chất, dầu khí). Nga là đối tác lớn nhất, hàng hóa Nga chiếm trên 10% giá trị nhập khẩu của nước này. Nếu Nga trừng phạt toàn diện Thổ Nhĩ Kỳ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng các hợp đồng kinh tế rất lớn mà Nga đã ký kết với Thổ Nhĩ Kỳ tiêu biểu như Nga xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho Thổ Nhĩ Kỳ trị giá 20 tỷ USD, dự án về khí đốt... có thể sẽ làm thiệt hại cho Ankara khoảng 44 tỷ USD.
Mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã có dấu hiệu “xuống thang”, Tổng thống Erdogan đề nghị được gặp riêng Tổng thống Nga Putin (bên lề hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu tại Pháp) để trao đổi về vấn đề sự cố máy bay Nga do Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ nhưng người đồng cấp Nga không chấp nhận.