ASCCO thứ 8: ASEAN cần nâng cao năng lực ứng phó với tình hình khẩn cấp

09:05, 30/01/2016

Trước những diễn biến gần đây trong tình hình khu vực tác động phức tạp tới môi trường hòa bình và an ninh, ASEAN cần chú trọng nâng cao năng lực ứng phó với tình hình khẩn cấp. Đây là một trong những ý kiến đóng góp của Đại sứ Nguyễn Hoành Năm, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN, tại Hội nghị Điều phối Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (ASCCO) lần thứ 8 tổ chức ngày 28-1-2016 vừa qua tại Jakarta, Indonesia.

Với thành phần tham dự rộng rãi gồm các quan chức ngoại giao cao cấp từ 10 nước thành viên, đại diện các cơ quan chuyên ngành liên quan và Ban Thư ký ASEAN, Hội nghị đã tập trung thảo luận và đạt nhất trí về nhiều nội dung quan trọng liên quan tới việc tổng kết quá trình triển khai Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC) 2009-2015 cũng như những phương hướng, biện pháp lớn để triển khai Kế hoạch tổng thể APSC 2025.

 

Tại Hội nghị, các nước hoan nghênh những kết quả quan trọng đạt được trong quá trình triển khai Kế hoạch tổng thể xây dựng APSC giai đoạn 2009-2015. Với 100% số dòng hành động được thực thi, Kế hoạch tổng thể APSC 2009-2025 đã giúp nâng hợp tác chính trị-an ninh lên tầm cao mới, đóng góp thiết thực cho hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực. Trong số này có thể kể đến việc nhân rộng và phát huy các quy tắc chuẩn mực ứng xử chung, củng cố và thúc đẩy đi vào chiều sâu những cơ chế, nội dung hợp tác sẵn có (cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng, Chống tội phạm xuyên quốc gia, Diễn đàn Khu vực ASEAN-ARF, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác-TAC, Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân-SEANWFZ, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông-DOC…) đi đôi với thiết lập các khuôn khổ, công cụ mới nhằm giúp ASEAN ứng phó kịp thời với những thách thức nảy sinh (như Diễn đàn Biển ASEAN và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng-AMF&EAMF, Viện Hoà bình Hoà giải ASEAN-AIPR…). Quan hệ đối ngoại của ASEAN tiếp tục phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng và chiều sâu. Trong đó, ASEAN đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với 7/10 Đối tác đối thoại, xây dựng Kế hoạch hành động hợp tác giai đoạn mới 2016-2020 và tăng cường hơn nữa Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) với vai trò diễn đàn đối thoại chiến lược cấp cao.

 

Trên cơ sở vai trò trung tâm trong khu vực được giữ vững, ASEAN đang từng bước phát huy vai trò đóng góp trên các diễn đàn toàn cầu. Những kết quả này sẽ tạo đà rất thuận lợi cho việc triển khai Kế hoạch tổng thể APSC 2025, nhất là khi ASEAN đã thống nhất sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp, hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Kế hoạch 2025. Các nước cũng trao đổi về những bài học kinh nghiệm rút ra từ quá trình thực hiện APSC 2015 để áp dụng trong giai đoạn tới. Đồng thời nhất trí rằng, công tác chuẩn bị chu đáo, bài bản là một trong những yếu tố quyết định bảo đảm thành công của Kế hoạch tổng thể APSC 2025.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Nguyễn Hoành Năm nhận định, quá trình thực hiện Kế hoạch tổng thể APSC 2009-2015 đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng cũng bộc lộ một số tồn tại, do đó cần nghiên cứu và rút ra những bài học kinh nghiệm để áp dụng trong quá trình triển khai Kế hoạch 2025. Về các ưu tiên của APSC trong năm 2016, Đại sứ Nguyễn Hoành Năm đề nghị trên cơ sở đà tiến triển đã đạt, ASEAN cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện những nội dung, biện pháp then chốt trong hợp tác chính trị-an ninh như củng cố TAC, SEANWFZ, ARF, bảo đảm triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm đạt COC…

 

Đặc biệt về Biển Đông, Đại sứ Nguyễn Hoành Năm khẳng định, ASEAN cần tiếp tục đóng vai trò chủ động, tích cực trong việc bảo đảm hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, thúc đẩy triển khai hiệu quả và đầy đủ DOC và đẩy nhanh đàm phán thực chất với TQ về Bộ quy tắc ứng xử (COC).

 

Về Kế hoạch tổng thể APSC 2025, các nước nhất trí đánh giá Kế hoạch thể hiện sự tiếp nối và nhân lên những thành quả hợp tác đã đạt, tuy nhắc lại một số nội dung/lĩnh vực hợp tác đã có trong Kế hoạch 2009-2015 nhưng được nâng thêm về chất cho phù hợp với những phát triển mới ở khu vực trên cơ sở cách tiếp cận tổng thể và bổ sung, cập nhật nhiều giải pháp thiết thực. Nổi bật trong số này là các lĩnh vực an ninh-quốc phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển (có một mục riêng về an ninh và hợp tác biển), nâng cao khả năng xử lý những tình huống khẩn cấp và tăng cường vai trò toàn cầu của ASEAN. Ngoài ra, phải kể đến một số lĩnh vực ưu tiên mới như thúc đẩy tư tưởng ôn hoà, an ninh và an toàn hạt nhân…

 

Một điểm mới đáng chú ý trong Kế hoạch 2025 lần này là nhóm giải pháp hỗ trợ triển khai, gồm tăng cường năng lực thể chế, cải tiến bộ máy và phương thức hoạt động của các cơ quan thực thi cùng với việc thiết lập cơ chế hữu hiệu để theo dõi và báo cáo tiến độ nhằm bảo đảm triển khai đầy đủ, hiệu quả và đúng hạn các dòng hành động đã đề ra.

 

Chuẩn bị cho thời gian tới, trên cơ sở bài học kinh nghiệm rút ra trong giai đoạn 2009-2015, trong Kế hoạch tổng thể lần này, các nước đã xác định ngay từ đầu cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện cho từng dòng hành động, thời hạn thực hiện và kết quả dự kiến. Bên cạnh đó, các nước cũng trao đổi về một số biện pháp như: gắn kết và lồng ghép những mục tiêu, biện pháp liên quan trong Kế hoạch tổng thể APSC 2025 vào chương trình/kế hoạch công tác của các cơ quan chuyên ngành; tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp hoạt động đi đôi với phân công phân nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan liên quan; đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá nâng cao nhận thức người dân về mục tiêu, lợi ích của APSC. Nhân dịp này, các nước đã thảo luận những trọng tâm và ưu tiên cần triển khai của APSC trong năm 2016.

 

Được thông qua ngày 21-11-2015, Kế hoạch tổng thể APSC là một trong bảy văn bản thuộc bộ văn kiện “ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước”. Nội dung chính của Kế hoạch bao gồm 290 dòng hành động (action lines) với mục tiêu xây dựng một Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN vào năm 2025 với bốn đặc điểm chính: i) Một Cộng đồng dựa trên luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm; ii) Một khu vực hòa bình, an ninh và ổn định; iii) ASEAN giữ vai trò trung tâm trong một khu vực năng động và rộng mở hợp tác với bên ngoài; iv) Năng lực thể chế được tăng cường thông cải tiến bộ máy, phương thức hoạt động, nâng cao nhận thức người dân… Tùy nội dung, mục đích và thời hạn thực hiện, các dòng hành động này sẽ được phân thành các nhóm cấp bách (immediate), trung hạn (2-5 năm) và dài hạn (trên năm năm), và sẽ được triển khai cả ở cấp độ quốc gia và khu vực. Trách nhiệm thực hiện Kế hoạch tổng thể APSC 2025 thuộc về các nước thành viên và các cơ quan chuyên ngành liên quan của ASEAN, gồm cả các cơ quan thuộc trụ cột chính trị-an ninh (ngoại giao, quốc phòng, an ninh, chống tội phạm xuyên quốc gia, tư pháp, xuất nhập cảnh…) cũng như trụ cột khác (thanh niên, quản lý thiên tai…).

 

Thành lập năm 2006, Hội nghị ASCCO nhằm mục đích tạo diễn đàn để các cơ quan chuyên ngành chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và phối hợp hoạt động trong quá trình xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh. Tương tự như ASCCO, ASEAN đã lập các cơ chế điều phối của trụ cột Kinh tế AEC (COW) và trụ cột Văn hóa - Xã hội ASCC (SOC-COM).