Gia tăng nguy cơ khủng bố ở Đông - Nam Á

15:48, 25/02/2016

Mầm mống của khủng bố đang được gieo rắc hoặc âm thầm trỗi dậy tại mảnh đất Đông - Nam Á thời gian gần đây với hàng loạt bằng chứng tại In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po và Thái-lan… Các nước trong khu vực đang tăng cường các biện pháp chống khủng bố trong nước, cũng như gia tăng các chương trình hợp tác nhằm ngăn chặn “vòi bạch tuộc” khủng bố lây lan.

Ngày 14-1 vừa qua, In-đô-nê-xi-a đã chứng kiến các vụ tiến công khủng bố tại khu vực công cộng giữa ban ngày, khi các phần tử khủng bố đánh bom liều chết và nã súng vào cảnh sát tại một ngã tư lớn giữa trung tâm thủ đô Gia-các-ta, làm ba người chết và 26 người bị thương. Năm tay súng đã bị tiêu diệt. Các vụ tiến công nói trên gây chấn động dư luận khu vực bởi sau các vụ tiến công khủng bố tại Ba-li làm 202 khách nước ngoài chết năm 2002 và hàng loạt vụ đánh bom nhằm các mục tiêu của phương Tây vào các năm 2003, 2004 và 2009 làm hàng chục du khách và người dân địa phương chết, nhà chức trách In-đô-nê-xi-a đã tăng cường nhiều biện pháp bảo đảm an ninh, đưa tình hình trở lại ổn định.

 

Đáng chú ý, trong các chiến dịch truy quét khủng bố mới đây, giới chức In-đô-nê-xi-a phát hiện rằng, mạng lưới cực đoan trong nước Giê-ma-a I-xla-mi-a (JI) đang âm thầm trỗi dậy với những bằng chứng và tội ác nghiêm trọng. Theo nhiều cựu thủ lĩnh và thành viên JI, mạng lưới này đang trong giai đoạn chuẩn bị, như tuyển mộ, củng cố kiến thức, đào tạo, lập mạng lưới và tài chính và ước hiện có khoảng 2.000 tay súng JI, ngang bằng thời điểm xảy ra vụ đánh bom ở khu nghỉ dưỡng Ba-li.

 

Cảnh sát In-đô-nê-xi-a cho rằng, sự huấn luyện, cách tổ chức tinh vi và nguồn tài chính của IS tiềm ẩn mối đe dọa an ninh lớn hơn đối với nước này. JI từng có các chi nhánh ở nhiều quốc gia Đông - Nam Á, như Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin, Thái-lan, nhằm thiết lập một nhà nước Hồi giáo trong khu vực. Các thành viên JI cho biết, hiện nhóm này không hoạt động xuyên quốc gia mà tập trung ở In-đô-nê-xi-a nhằm thuyết phục người dân ủng hộ hệ tư tưởng và tham vọng của lực lượng này. Nhà chức trách In-đô-nê-xi-a đã và đang siết chặt các quy định về chống khủng bố sau vụ tiến công kinh hoàng tại Gia-các-ta nói trên. Lực lượng chống khủng bố đã bắt giữ hàng trăm đối tượng tình nghi theo phong trào Hồi giáo thánh chiến cực đoan, tịch thu nhiều súng, dao, tài liệu về thánh chiến Hồi giáo và cờ hiệu...

 

Quốc gia láng giềng Ma-lai-xi-a cũng đã tăng mức độ cảnh báo an ninh và tăng cường tuần tra chung giữa cảnh sát và quân đội tại các khu du lịch và khu vực công cộng nhằm bảo đảm an toàn cho người dân sau các vụ tiến công khủng bố tại một số thành phố lớn trên thế giới, gần đây nhất là loạt vụ khủng bố ở thủ đô Gia-các-ta của In-đô-nê-xi-a. Thủ tướng Ma-lai-xi-a N.Ra-dắc cảnh báo, IS là mối đe dọa rất hiện hữu đối với nước này và Chính phủ Ma-lai-xi-a coi mối đe dọa từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là rất nghiêm trọng. Ông Ra-dắc nhấn mạnh, đây là một thách thức mà mọi người trên thế giới phải đối mặt và Ma-lai-xi-a không phải ngoại lệ. Theo thống kê, hiện có tổng cộng 132 công dân Ma-lai-xi-a đã xác định được danh tính, đang tham chiến trong hàng ngũ IS ở Xy-ri và I-rắc.

 

Nhằm đối phó nguy cơ khủng bố gia tăng, hàng loạt biện pháp an ninh cũng được thắt chặt tại Phi-li-pin, Thái-lan, Xin-ga-po. Giới chức Xin-ga-po cảnh báo, việc nhiều chính phủ thiếu tập trung cho phát triển và giáo dục, cũng như thiếu những cam kết mạnh mẽ đối với cộng đồng đa sắc tộc đã dẫn đến các mối đe dọa khủng bố gia tăng trong khu vực. Do đó, Chính phủ Xin-ga-po đang lên kế hoạch thực thi hàng loạt biện pháp nhằm bảo đảm sự hòa hợp giữa các sắc tộc và tôn giáo. Phi-li-pin bày tỏ quan ngại nhóm thánh chiến IS có thể tuyển mộ những công dân Phi-li-pin đang làm việc tại Trung Đông. Tổng thống Phi-li-pin B.A-ki-nô cho biết, cơ quan tình báo nước này sẽ đề nghị các đối tác ở Trung Đông giám sát nguy cơ cực đoan hóa trong cộng đồng người Phi-li-pin, hiện lên tới hai triệu người, ở khu vực này.

 

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh các lực lượng IS bị suy yếu ở Xy-ri và I-rắc, Đông - Nam Á, trung tâm Hồi giáo lớn thứ hai thế giới sau khu vực Trung Đông với hơn 250 triệu tín đồ, đang có nguy cơ trở thành địa bàn hoạt động tiềm tàng của IS, đồng thời là một trong những nguồn tuyển mộ quân quan trọng của lực lượng này. Mặc dù không có mối đe dọa cụ thể về việc IS sẽ thực hiện các vụ tiến công ở khu vực, song nhiều nhà phân tích cảnh báo về một mối đe dọa chung ở Đông - Nam Á sau khi xảy ra các vụ đánh bom ở Gia-các-ta.