Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) ngày 29/2 cho biết, Mỹ Latinh có nhiều tiến bộ nhất so với bất kỳ khu vực nào trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo. Tuy nhiên, thách thức đối với khu vực này là rất lớn khi vẫn còn nhiều người tiếp tục phải đối mặt với cái đói.
Theo FAO, kể từ năm 1990, 17 trong tổng số 33 quốc gia Mỹ Latinh đã thành công trong việc cắt giảm tỷ lệ nghèo đói từ 14,7% xuống còn 5,5%. Trong hai thập kỷ qua, các nước Mỹ Latinh và Caribbean đã có những bước tiến đáng ngạc nhiên trong việc giảm nghèo, trở thành khu vực có nhiều tiến bộ nhất trên toàn thế giới. Trên 31,7 triệu người đã vượt qua được nạn đói trong giai đoạn 1990 – 92. Trong khi đó, giai đoạn 2000 – 2008 có 19 triệu người đã vượt qua nạn đói.
Tuy đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận, khu vực này vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn. Phát biểu tại hội nghị khu vực của FAO về lương thực và nông nghiệp, tổ chức tại Mexico City ngày 29/2, đại diện FAO – ông Adorinam Sanches cho biết, có khoảng 34,3 triệu người Mỹ Latinh vẫn bị thiếu ăn. Trong đó, khu vực Caribbean ghi nhận tỷ lệ nghèo đói ở mức cao nhất, với khoảng 7,5 triệu người thiếu lương thực và dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt là tại Haiti.
Trong khi đó, tình trạng béo phì đã làm ảnh hưởng tới 22% dân số và gần 4 triệu trẻ em bị thừa cân. Do vậy, theo một đại diện khác của FAO – ông Raúl Benitez, vấn đề cần giải quyết là cả hai mặt của vấn đề dinh dưỡng.
Theo đại diện của FAO, vấn đề nghèo đói đang được thảo luận ở “cấp độ chính trị cao nhất của khu vực”. Trước đó, vào tháng 1/2015, 33 thành viên của Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribbean (CELAC) đã thông qua kế hoạch xóa đói nghèo và thúc đẩy an ninh lương thực, dinh dưỡng. Kế hoạch của CELAC nhằm hướng tới mục tiêu tạo ra một khu vực không còn đói nghèo.
Hội nghị khu vực về lương thực và nông nghiệp của FAO được tổ chức 2 năm một lần. Hội nghị năm nay diễn ra trong vòng 4 ngày (từ 29/2 – 3/3) với mục tiêu phân tích các thách thức chính đối với an ninh lương thực và phác thảo những ưu tiên của khu vực về nông nghiệp, lương thực và dinh dưỡng trong 2 năm tới./.