Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ngày 1/3 lên tiếng cảnh báo Hy Lạp đang đứng bên bờ một cuộc khủng hoảng mà chính các quốc gia châu Âu góp phần tạo nên, do thiếu tinh thần hợp tác và thực hành trái với luật pháp quốc tế.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sỹ), người phát ngôn của UNHCR Adrian Edwards cho biết: Tình trạng tập trung quá nhanh chóng lượng người tị nạn và người di cư ở Hy Lạp trong khi quốc gia này vốn đã phải trải qua nhiều khó khăn; sự từ chối hợp tác của các quốc gia châu Âu bất chấp nhiều thỏa thuận đã được ký trong một số lĩnh vực và việc áp đặt các hạn chế mới về biên giới suốt dọc tuyến đường của khu vực Balkan chính là những thực tế hoàn toàn không hợp lý, nguồn gốc gây ra những khổ đau và đi ngược lại với các điều luật của châu Âu cũng như luật pháp quốc tế.
Theo ông Edwards, trong đêm 29/2, số lượng người tị nạn và di cư tại Hy Lạp đã lên tới 24.000 người. Khoảng 8.500 người trong số họ tại Eidomeni, gần biên giới với Macedonia, và ít nhất 1.500 người đã phải ở ngoài trời trong đêm đó. “Tình trạng quá đông người dẫn dến sự thiếu hụt về thực phẩm, chỗ ở, nước và vệ sinh. Căng thẳng ngày càng gia tăng, thúc đẩy xung đột bạo lực và tạo cơ hội cho bọn buôn lậu” – người phát ngôn của UNHCR nhấn mạnh.
Ông Edwards cũng đồng thời chỉ ra rằng các nhà chức trách của Hy Lạp đã ứng phó với tình trạng này bằng cách thiết lập 2 trại tị nạn gần Eidomeni, có khả năng tạo nơi cư trú cho tổng số 12.500 người, cũng như một địa điểm thứ ba gần đấy, hiện đang được xây dựng.
“Các dữ liệu cho thấy 131.724 người đã thực hiện hành trình trong khoảng từ tháng 1 – 2, trong đó 122.637 người đã tới Hy Lạp. Chúng ta không xa so với con số trong 6 tháng đầu năm 2015 là 147.209 người” – ông Edwards cho biết, đồng thời lưu ý tới nay, 410 người đã thiệt mạng trong hành trình di cư vào năm 2016.
Để giải quyết tình hình của những người tị nạn và người di cư tại châu Âu và tránh một cuộc khủng hoảng mới tại Hy Lạp, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn kêu gọi áp dụng một số chương trình hành động, trong đó có việc tăng khả năng tiếp nhận tạm trú và hỗ trợ người di cư, cũng như sự phối hợp tốt hơn giữa các quốc gia của châu lục. “Tuy nhiên, với sự gia tăng các hạn chế về biên giới dọc khu vực Balkan, chúng tôi lo ngại rằng tình hình sẽ ngày càng leo thang và dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo tương tự như những gì đã xảy ra tại các hòn đảo của Hy Lạp vào mùa thu năm trước” – ông Edwards lo ngại.
Do vậy, người phát ngôn của UNHCR kêu gọi các nhà chức trách Hy Lạp, với sự hỗ trợ của Văn phòng châu Âu hỗ trợ người tị nạn và các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cùng tăng cường mạnh mẽ khả năng đăng ký, tiếp nhận và xử lý các yêu cầu tị nạn.
Trong thời gian qua, mặc dù cam kết tái định cư cho 66.400 người tị nạn từ Hy Lạp song đến nay, các quốc gia châu Âu mới chỉ đưa ra được 1.539 chỗ ở, và chỉ 325 hoạt động tái định cư diễn ra trên thực tế.
Bên cạnh đó, UNHCR khuyến khích Hy Lạp và các nước nằm dọc tuyến đường của khu vực Balkan cùng nhanh chóng hành động để tránh một thảm họa nhân đạo và giải quyết tình huống khẩn cấp này với tinh thần đoàn kết và chia sẻ trách nhiệm.
Trong một diễn biến có liên quan, Thủ tướng Áo Werner Faymann ngày 1/3 đã bác bỏ những chỉ trích của người đồng cấp Đức Angela Merkel về quyết định đóng cửa biên giới và áp đặt hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn mà nước này mới áp dụng.
Theo ông Faymann, Áo không thể tiếp nhận hàng trăm nghìn người để trở thành "phòng chờ" của Đức. Khẳng định sẽ giữ quan điểm cứng rắn đối với chính sách hiện nay song Thủ tướng Faymann cũng cho biết Áo vẫn chủ trương ủng hộ một giải pháp quy mô toàn châu Âu để giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay, trong đó ưu tiên bảo vệ một cách tin cậy đường biên giới ngoài EU, lập các trung tâm tiếp nhận và tái phân bổ người tị nạn giữa các nước châu Âu./.