Ai Cập tìm lối thoát khủng hoảng

08:04, 12/04/2016

Chính phủ Ai Cập vừa soạn thảo một chương trình cải cách kinh tế ba năm, trong đó chú trọng bảo đảm an ninh quốc gia, đẩy mạnh cải cách kinh tế và thủ tục hành chính nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, cải thiện hệ thống hạ tầng… Hơn năm năm sau biến cố chính trị liên quan “Mùa xuân A-rập”, Ai Cập vẫn phải nỗ lực để vượt qua giai đoạn khó khăn, củng cố vai trò của đất nước Kim tự tháp tại khu vực.

Thủ tướng Ai Cập S.I-xma-in thừa nhận nước này đang rơi vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, đồng thời kêu gọi các địa phương nỗ lực chung tay với chính phủ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Ai Cập phải đối mặt các điều kiện kinh tế và chính trị khắc nghiệt, nhất là các mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia. Tư tưởng cực đoan và những vụ tiến công khủng bố không chỉ đến từ các nước láng giềng trong khu vực mà còn bắt nguồn từ ngay trong lòng Ai Cập. Ngành du lịch Ai Cập chưa kịp phục hồi sau làn sóng biểu tình, bạo lực hồi năm 2011 thì vụ rơi máy bay chở khách của Nga tại bán đảo Xi-nai cuối tháng 10-2015 đã như “gáo nước lạnh”, gây ảnh hưởng nghiêm trọng ngành công nghiệp không khói của đất nước Kim tự tháp.

 

Các nguồn thu ngoại tệ chủ chốt từ kênh đào Xu-ê và du lịch đã và đang giảm mạnh là nguyên nhân chính dẫn đến đà suy giảm tăng trưởng kinh tế hiện nay của Ai Cập. Doanh thu từ du lịch giảm mạnh, từ 10,6 tỷ USD trong tài khóa 2010-2011, xuống còn 7,4 tỷ USD trong tài khóa 2014-2015. Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh yếu kém của các doanh nghiệp trong nước và đà suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới cũng tác động tiêu cực sức tăng trưởng của nền kinh tế Ai Cập. Lạm phát cao, luôn ở mức từ 10 đến 12%, đã ảnh hưởng tiêu cực đời sống của người nghèo và người có thu nhập thấp. Thâm hụt ngân sách chạm ngưỡng 11,5% tài khóa 2014-2015. Nợ nước ngoài của Ai Cập tăng từ 33,7 tỷ USD tháng 6-2010 lên gần 48,3 tỷ USD vào cuối tháng 1-2016. Hiện nay, khoảng 75% chi ngân sách được dùng để trả lương và trợ cấp xã hội, trong khi 25% còn lại được chi cho hạ tầng và các dịch vụ công cộng.

 

Là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng dân số cao nhất thế giới, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này cũng tăng nhanh, từ 9% trong tài khóa 2009-2010 lên 13,3% tài khóa 2015-2016. Do ngân sách hạn hẹp và đầu tư ngày càng sa sút, Chính phủ Ai Cập không còn khả năng cải thiện các dịch vụ công cộng cho người dân. Trong khi dân số tăng chóng mặt thì mức tăng trưởng kinh tế lại giảm mạnh trong năm năm qua. Cụ thể, dân số tăng hơn 2,5 triệu người/năm trong khi mức tăng trưởng kinh tế giảm xuống còn 4,2%/năm.

 

Để đối phó các thách thức và đưa đất nước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, Thủ tướng S.I-xma-in đã trình Quốc hội chương trình kinh tế-xã hội với mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế từ 5 đến 6% vào cuối tài khóa 2017-2018. Thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ giảm xuống còn từ 9 đến 10% trong tài khóa 2017-2018 và từ 8 đến 9% trong tài khóa 2019-2020. Chính phủ Ai Cập cũng có kế hoạch áp dụng chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT), động thái được coi là cần thiết để Cai-rô có thể nhận khoản giải ngân đầu tiên trị giá một tỷ USD trong gói tín dụng ba tỷ USD mà Ngân hàng Thế giới ký với Ai Cập. Nước này dự kiến thu hút từ 15 đến 20 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trái phiếu chính phủ và tăng cường kiểm soát nhập khẩu, đồng thời đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 9% vào cuối tài khóa 2019-2020. Để giải quyết tình trạng khan hiếm ngoại tệ hiện nay, Ngân hàng trung ương Ai Cập (CBE) gần đây đã quyết định phá giá đồng nội tệ (EGP - bảng Ai Cập) ở mức hơn 14%. Quyết định này được hy vọng sẽ tác động tích cực đối với nền kinh tế Ai Cập và giúp thu hút đầu tư nước ngoài, qua đó sẽ nâng dự trữ ngoại hối của đất nước Kim tự tháp lên 25 tỷ USD vào cuối năm nay so mức 16,53 tỷ USD tính đến cuối tháng 2 vừa qua.

 

Bất ổn chính trị kéo dài và mối đe dọa khủng bố đã khiến Ai Cập chật vật trong việc đi tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Kế hoạch cải cách kinh tế của Chính phủ Ai Cập được hy vọng sẽ đem lại thay đổi đáng kể cho bức tranh kinh tế u ám của đất nước Kim tự tháp. Tuy nhiên, trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu, con đường phục hồi kinh tế cho Ai Cập còn nhiều gian nan.