Tờ báo Mỹ Washington Post yêu cầu các phóng viên thường trú ở nước ngoài sử dụng mạng xã hội bổ trợ cho công tác nghiệp vụ của họ.
Tháng 2/2015, chính phủ Iraq đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm về đêm, vốn do quân Mỹ thiết lập khi họ xâm chiếm nước này vào năm 2003. Sau hơn một thập kỷ, đời sống về đêm của Baghdad đã sôi động trở lại.
Liz Sky, trưởng cơ quan thường trú của Washington Post ở Beirut, đã tới thủ đô Iraq và đưa tin về việc thành phố này đã hồi sinh sinh hoạt về đêm ra sao. Các quầy rượu và hộp đêm mọc lên. Một khu mua sắm được khai trương và thu hút các hộ gia đình.
Sly viết, “một cung điện neon màu hồng mang tên Barbie Clinic chuyên chăm sóc sắc đẹp cho cánh chị em đến tận tối”.
Từ Beirut, thông qua Skype cô kể rằng ở Washington, các nhân viên tòa soạn tờ Washington Post đọc được thông tin về Barbie Clinic và “cho biết họ muốn có một bức ảnh về cơ sở chăm sóc sắc đẹp này trên mạng Instagram”.
Bất ngờ
Sly đã có sẵn một tài khoản Instagram nhưng cô muốn giữ tài khoản này cho riêng bạn bè và gia đình mình. Vì thế cô tạo một tài khoản mới và tải lên đó một loạt bức ảnh trong đợt tác nghiệp của mình.
Sky nói: “Tôi đã chụp một số bức ở Baghdad, và tôi up lên mạng. Thật bất ngờ, các biên tập viên ở tòa soạn lại thích thú với các bức hình này và họ bảo tôi viết một bài blog về những thứ đó. Đây là lần đầu tiên tôi sử dụng Instagram để đưa tin, nhưng đây là việc không có trong kế hoạch ban đầu”.
Sly hiện có hơn 40.000 người theo dõi trên mạng Instagram. Cô dùng mạng xã hội này để nhấn mạnh và bổ sung cho quá trình đưa tin thông thường của mình.
Washington Post có 21 phóng viên thường trú tại 16 nước trên thế giới, trong đó có phóng viên Jason Rezaian – người đã bị tống giam ở Iran được hơn 1 năm. Ban Thế giới của tờ báo này luôn khuyến khích họ sử dụng các ứng dụng như là Instagram hay là Snapchat để vươn tới đối tượng độc giả theo cách thức mới.
Mạng xã hội thành công cụ đưa tin
Swati G. Sharma, biên tập viên số hóa của tờ này nói: “Các năm trước đây, đối với nhiều nhà báo và phóng viên thường trú thì truyền thông xã hội chủ yếu chỉ là để lấy nguồn tin, ý tưởng và những thứ đại loại như thế… Bây giờ nét mới hoàn toàn là các phóng viên của chúng tôi đã sử dụng các nền tảng này làm công cụ đưa tin, giúp độc giả cảm nhận rõ ràng và chân thật việc chúng tôi đang ở chính những nơi này trong quá trình đưa tin”.
Trưởng cơ quan thường trú London Griff Witte đã up lên Facebook các đoạn video về những người tị nạn ở biên giới Áo-Slovenia. Kevin Sieff, trưởng cơ quan thường trú Nairobi, đưa tin về bầu cử Nigeria vào năm 2014 thông qua mạng Snapchat. Người này cũng thường cập nhật thông tin lên Instagram. Còn ở Tokyo, trưởng cơ quan đại diện Anna Fifield sử dụng mạng Vine để phản ánh những người đi chơi Halloween và các khía cạnh cuộc sống ở Nhật Bản.
Sharma nói: “Chúng tôi muốn các phóng viên thường trú sử dụng công cụ mạng xã hội mà họ cảm thấy thuận tiện nhất đối với họ, tự nhiên nhất với họ”.
Đây có thể là một thách thức đối với Ban Thế giới vì các phóng viên của họ ở rất xa. Sharma cho biết tòa soạn cố gắng tranh thủ trao đổi với các phóng viên này bất cứ khi nào họ đang ở Mỹ, tại phòng tin tức của Washington Post. Họ cũng gửi email cho hàng loạt người. Ban Thế giới thành công nhất khi làm việc với từng phóng viên thường trú, sử dụng truyền thông xã hội để đưa tin về từng sự kiện và tin tức cụ thể. Các tài khoản chính của Washington Post cũng được sử dụng để quảng bá các phần cập nhật của phóng viên thường trú.
Sieff lần đầu sử dụng Snapchat khi anh đưa tin về bầu cử Nigeria hồi tháng 3, từ bang Kaduna ở tây bắc nước này – một nơi “mà độc giả Mỹ của báo cảm nhận được khoảng cách rất xa về địa lý”.
Sieff nói với tác giả qua Skype từ Nairobi: “Do đây là vùng nông thôn nên ở nhiều nơi bỏ phiếu, nhiều khi các hòm bỏ phiếu không đến được nơi. Thế là tôi đăng một vài bức ảnh về cảnh người dân đợi bên ngoài – họ chờ đợi đến khi điểm bỏ phiếu mở cửa. Không khí rất căng thẳng. Việc mang tin tức tới những người ở chính hiện trường rồi tiếp nhận phản ứng của họ (dù họ có đọc tin chính vào hôm sau hay không) là rất thú vị.”
Sly và Sieff đã tiếp nhận các cập nhận của công chúng trên mạng Instagram, bổ sung thêm chi tiết và chú thích để biến các cập nhật đó thành tin tức trên website của Washigton Post. Tờ báo Mỹ này cũng tải lên website của mình và mạng YouTube các đoạn video được lưu trên Snapchat.
Quá trình này mở rộng sang cả phiên bản báo in. Trên phiên bản này, Washington Post đăng một loạt ảnh Instagram mà Sly đã chụp về các trẻ em Syria tị nạn.
Sly kể: “Tôi ra ngoài phỏng vấn nhiều người tị nạn. Về cơ bản tôi chỉ chụp những bức ảnh đó cho riêng mình. Sau khi có tin, tôi chỉ tải ngẫu nhiên lên mạng vài bức ảnh. Rồi sau đó tôi thấy họ đã tạo ra một tiểu blog từ các sự kiện này. Rồi vài tuần sau đó họ lại hỏi tôi có định làm thêm 1 bài blog về cái này không. Sau khi có blog, lại có vị cho rằng các bức ảnh này hay và nên đưa vào cả báo in.”
Trở ngại
Đối với nhiều phóng viên, việc vừa đưa tin vừa sử dụng truyền thông xã hội, lại phải đồng thời bảo đảm an toàn cá nhân là một thách thức lớn. Sly mới đây đưa tin từ Syria nhưng cô phải đợi tới khi rời đất nước này thì mới bắt đầu tải các bức ảnh lên mạng Instagram. Trong khi đó Sieff -chuyên đưa tin ở châu Phi, cho biết, anh thường ở những nơi không có dịch vụ điện thoại di động để có thể đăng tải các bức ảnh và video.
Sieff nói: “Mấy cái này nó rất mất thời gian. Trong lúc dùng dịch vụ snapchat thì bạn đành chấp nhận bỏ ghi chú hay tiến hành phỏng vấn hoặc quan sát. Thử thách đối với chúng tôi là phải cân bằng giữa trải nghiệm mới và việc bảo đảm thực hiện phần việc quan trọng nhất, đó là đưa tin và nói chuyện với người khác”.
Tách bạch việc tư và việc công cũng có vấn đề. Các phóng viên thường trú thường ở cách xa nhà của mình tới hàng ngàn km nên lẽ tự nhiên họ rất muốn chia sẻ ảnh với bạn bè và gia đình. Họ cũng muốn chia sẻ trên mạng một lượng thông tin nhất định khi họ đang phản ánh về một vấn đề cụ thể nào đó.
Cuối cùng, Sharma nói, bà và các nhân viên khác tại Ban Thế giới của Washington Post muốn khuyến khích các phóng viên thường trú hãy làm quen hơn nữa với các công cụ truyền thông và số mới.
“Chúng tôi gieo ý tưởng vào đầu họ để họ cảm thấy thoải mái với công cụ truyền thông xã hội, rồi sau đó họ tự làm lấy”./.