Đình công, biểu tình phản đối dự luật cải cách lao động biến thành bạo động ở Pháp

14:28, 01/04/2016

Ngày 31-3, trên khắp nước Pháp đã diễn ra 266 cuộc biểu tình và đình công phản đối dự luật cải cách lao động của Chính phủ, tuy nhiên một số người biểu tình quá khích đã đụng độ với cảnh sát tại một số thành phố lớn của Pháp.

Báo chí Pháp đưa tin, tính đến 19 giờ 35 phút ngày 31-3, tại Paris, Nantes có nhiều xe ô-tô bị đốt và cảnh sát đã phải dùng hơi cay để giải tán đám đông biểu tình quá khích, hơn 30 người bị bắt giữ. Cả nước có 77 người bị bắt giữ, 33 người bị thương, trong đó có nhiều cảnh sát. Các vụ đụng độ giữa những người biểu tình và cảnh sát đã xảy ra tại các thành phố Paris, Nantes, Rennes...

 

Hai nghiệp đoàn lớn của Pháp là CGT, FO, cho biết, số người xuống đường tham gia biểu tình, đình công trên toàn nước Pháp, trong đó có học sinh, sinh viên, công đoàn, người lao động... lên tới 1,2 triệu người, tính riêng tại thủ đô Paris có 160 nghìn người. Tuy nhiên phía cảnh sát cho biết, cả nước có 390 nghìn người tham gia biểu tình, Paris có khoảng 26 đến 28 nghìn người.

 

Các cuộc biểu tình diễn ra đồng thời với các cuộc đình công của các nhân viên kiểm soát không lưu khiến tại các sân bay của Pháp cho nhiều chuyến bay bị hủy. Giao thông trên toàn quốc bị tê liệt do biểu tình. Tình trạng tắc đường được ghi nhận ở vùng Ile-de-France kéo dài tới gần 400 km.

 

Hàng chục trường học ở Paris và các vùng lân cận phải đóng cửa. Các địa điểm du lịch nổi tiếng như Nhà hát Opéra Paris, Tháp Eiffel cũng phải đóng cửa cả ngày.

 

Dự luật cải cách lao động do Bộ trưởng Lao động Myriam El Khomri trình (hay còn gọi dự luật El Khomri) được cho là nhằm mở thị trường lao động, cho phép giới chủ linh hoạt hơn trong việc tuyển dụng và sa thải người lao động và giảm tỷ lệ thất nghiệp.

 

Tuy nhiên phe đối lập coi đây là một bước thụt lùi về việc bảo vệ người lao động. The Local dẫn lời ông Nicolas làm việc tại Bảo tàng Khoa học ở Paris nói: "Chính phủ cho rằng, dự luật linh hoạt trong việc tạo việc làm. Vâng, họ đã sai lầm".

 

Đây là lần thứ ba trong vòng chưa đầy một tháng, hàng trăm nghìn người Pháp đã xuống đường biểu tình để gây sức ép với Chính phủ đòi rút lại dự luật cải cách lao động được coi là ưu ái đối giới chủ.

 

Các nghiệp đoàn ước tính có khoảng 400 đến 500 nghìn người xuống đường biểu tình phản đối dự luật cải cách lao động này ngày 9-3 và 150 nghìn người ngày 17-3.

 

Tuy nhiên, các cuộc đình công ngày 31-3 chưa phải đã kết thúc. Nghiệp đoàn CGT, FO, Solidaires, FSU, UNEF... kêu gọi hành động mạnh hơn nữa, thông báo sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc đình công và biểu tình lớn vào các ngày mồng 5 và mồng 9-4 tới cho đến khi nào dự luật cải cách lao động được chính phủ rút lại.