Thành công và thách thức sau 30 năm đổi mới

08:40, 09/04/2016

Hội thảo quốc tế - Diễn đàn Việt Nam 2016 đánh giá về những thành tựu và hạn chế sau 30 năm Đổi mới của Việt Nam lần đầu tiên do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - ISEAS (Singapore) tổ chức trong hai ngày 7 và 8-4, tại Singapore đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng và cấp thiết, mang tính thời sự của Việt Nam, trong đó tập trung vào bốn chủ đề chính gồm: kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội và chính sách đối ngoại nhằm đánh giá lại những thành quả cũng như hạn chế của 30 năm Đổi mới, đồng thời nhìn nhận chặng đường tiếp theo.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Tan Chin Tiong, Giám đốc ISEAS nhấn mạnh: Vệt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng sau 30 năm thực hiện quá trình đổi mới, với tăng trưởng GDP hàng năm đạt 6,8% (1990-2014) và trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2009. Tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam đã giảm nhanh chóng, từ mức 58,1% năm 1993 xuống còn 11,1% năm 2012. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và quốc tế, tổng vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam đã đạt 290,6 tỷ USD tính đến cuối năm 2014. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng đạt 298 tỷ USD, tương đương 160% GDP. Hiện Việt Nam là một trong những nước nền kinh tế mở nhất trong khu vực...

 

Tuy nhiên, ông Tan Chin Tiong cho rằng, bên cạnh những thành tựu trên thì Việt Nam cũng đang phải đối mặt với thách thức, và điều quan trọng là làm sao duy trì được những thành quả đã đạt được để cải cách thành công trong chặng đường tiếp theo.

 

Chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư Adam Fforde, Viện Nghiên cứu Kinh tế học chiến lược Victoria, Đại học Victoria (Australia), nhận định Việt Nam có nhiều cơ hội để duy trì những thành tựu ấn tượng đã đạt được. Theo Giáo sư Adam Fforde, “ Việt Nam có công nghệ, thể chế, người dân chăm chỉ và năng động song điểm mấu chốt là làm sao tạo được sự gắn kết và đồng thuận giữa chính phủ và người dân, đảm bảo việc thực thi các chính sách có hiệu quả. Do có một thực tế là mặc dù hệ thống luật pháp cũng như các chính sách của Việt Nam ban hành tương đối đầy đủ, song vấn đề thực thi chưa thực tốt. Ngoài ra , những bất cập và tồn tại trong hệ thống giáo dục, y tế..., hay tình trạng tham nhũng vẫn chưa được giải quyết triệt để ”.

 

Về vấn đề kinh tế, các học giả đã trao đổi nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó nổi bật là sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam cũng như sự đổi mới của các doanh nghiệp nhà nước. Các học giả nhất trí rằng Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của thành phần kinh tế tư nhân và cải cách thành công khu vực kinh tế quốc doanh để làm trụ cột thúc đẩy cải cách nền kinh tế nói chung nhằm duy trì sự tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

 

Còn theo Phó Giáo sư, tiến sĩ Konstantin M Wacker đến từ Khoa Kinh tế thuộc Trường Đại học Gutenberg (Đức), tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam khá tham vọng và chính phủ đã có nhiều nỗ lực để đưa ra các cải cách về khía cạnh luật pháp. Ông Konstantin M Wacker cho rằng "thách thức lớn nhất là việc sửa đổi các quy định trong nước để phù hợp với các cam kết quốc tế như TPP hay thực hiện đẩy đủ các yêu cầu của WTO. Vì vậy, điều quan trọng hiện nay không phải là nhanh chóng ban hành những chính sách mới mà chính phủ cần phải nhìn lại xem đâu là những tồn tại cũng như những gì đã làm được để từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp quyết định cổ phần hóa một doanh nghiệp hay duy trì sở hữu nhà nước cũng như xác định những khu vực trọng điểm để tiến hành tái cơ cấu”.

 

Bên cạnh đó, các học giả cũng dành nhiều thời gian thảo luận về khía cạnh chính trị và chính sách đối ngoại của Việt Nam; trong đó nhấn mạnh đến việc thực hiện các biện pháp, chính sách để duy trì được sự lãnh đạo và chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và chính phủ trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều những thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài...

 

Các chuyên gia cũng phân tích sâu hơn về những chính sách của Việt Nam đối với các nước lớn như Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc hay quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng như Lào, Campuchia..., cũng như chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong 30 năm qua và lộ trình sắp tới.

 

Theo ông Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên khách mời tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) và cũng là người tổ chức diễn đàn lần này, đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với Việt Nam mà còn với tình hình quan hệ quốc tế và an ninh khu vực trong bối cảnh Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng, cộng đồng quốc tế và đặc biệt là các nước trong khu vực ngày càng quan tâm đến Việt Nam nhiều hơn .