Rất có thể đây là chuyến thăm cuối cùng tới Anh và Đức trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama. Chuyến đi là dịp ông Obama nêu bật mối quan tâm của mình về nền kinh tế toàn cầu hiện đang gặp nhiều bất ổn và những hiệu ứng từ cuộc xung đột tại Syria – ưu tiên số một của Tổng thống Obama trước khi hết nhiệm kì ngày 20/1/2017.
Tại Anh, ông Obama đặt trọng tâm chuyến thăm vào chính sách nội địa lớn nhất đối với Vương quốc Anh thời điểm hiện tại – đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU). Ông Obama đã tìm mọi cách thuyết phục người Anh sẽ bỏ phiếu “ở lại” trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 6 tới.
Sự ủng hộ của ông Obama đối với người bạn của mình – Thủ tướng Anh David Cameron – người đang dẫn đầu chiến dịch “ở lại” Liên minh châu Âu cho thấy sự lo lắng của ông Obama về một Brexit (nước Anh rời khỏi EU ) sẽ gây ra tổn hại nặng nề cho nền kinh tế thế giới.
“Nước Anh luôn có vai trò quan trọng trong liên minh châu Âu. Anh luôn đảm bảo cho châu Âu có một vị trí quyền lực trên thế giới và là cánh cửa giúp EU hướng ra bên ngoài và có thể liên kết chặt chẽ với các đồng minh ở bên kia bờ Đại Tây Dương” – ông Obama tuyên bố. “Với tư cách là công dân Anh, các bạn nên tự hào rằng EU đã giúp lan tỏa các giá trị của Anh như dân chủ, các luật lệ và các thị trường mở khắp lục địa”. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, đến cuối cùng thì việc đi hay ở cũng là quyết định của người Anh.
Cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 tới sẽ quyết định vấn đề đi hay ở của nước Anh. Trước đó, Thủ tướng David Cameron đã thuyết phục liên minh châu Âu dành nhiều đặc quyền hơn cho Anh để thuyết phục người Anh bỏ phiếu “ở lại”. Tuy nhiên, gần đây, Thủ tướng Anh bị vướng vào vụ bê bối trốn thuế lớn nhất trong lịch sử - “Hồ sơ Panama”, khiến mức độ tín nhiệm của ông đối với người Anh bị giảm sút nghiêm trọng
Trong chuyến thăm tới Hanover, một thành phố nhỏ tại miền bắc nước Đức, Tổng thống Mỹ Obama đã dành hàng giờ tại một hội chợ thương mại lớn đang diễn ra ở đây. Qua đó, ông chỉ ra những lợi ích kinh tế theo thỏa thuận thương mại Hoa Kỳ – EU nếu được kí kết.
Ông Obama mong muốn kết thúc đàm phán với EU về Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ. Đây là một trong hai hiệp định thương mại tự do lớn nhất mà ông Obama cho rằng sẽ thúc đẩy nền kinh tế Mỹ.
Hiệp định đầu tiên – Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn tiếp tục được Nghị viện Mỹ xem xét. Ông Obama hy vọng có thể thông qua hiệp định này vào cuối năm nay.
Tổng thống Obama nhân dịp chuyến thăm đã hối thúc các nhà lãnh đạo châu Âu nhanh chóng xem xét ký kết hiệp định TTIP.
“Thời gian không ở phía chúng ta” – ông Obama phát biểu tại Hanover – “ Nếu chúng ta không hoàn tất cuộc đàm phán vào năm nay, quá trình chuyển đổi chính trị cả ở Mỹ và châu Âu sẽ ngăn cản hiệp định này trong một thời gian dài nữa.”
Một trong những vấn đề quan trọng mà ông Obama đề cập trong chuyến thăm này là cuộc xung đột tại Syria và cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu. Tổng thống Obama tuyên bố đang tìm cách thúc đẩy cuộc chiến chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giao tự xưng (IS).
Tại Hanover, ông Obama cũng tuyên bố sẽ gửi thêm 250 binh sĩ giúp quân đội tại Syria chiến đấu chống IS, đánh dấu số lượng quân Mỹ lớn nhất có mặt tại Syria kể từ khi cuộc nội chiến Syria bắt đầu.
Ông Obama cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Ý Matteo Renzi về các vấn đề cấp bách như người di cư hay cuộc chiến mới giữa quân chính phủ Syria và phe đối lập.
Ông Obama phải thừa nhận cuộc chiến với IS sẽ không thể giải quyết được trong lúc ông còn tại vị./.