Bước đột phá từ “Hồ sơ Panama”

07:37, 11/05/2016

Kể từ hôm 3-4-2016, sau khi Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) cùng 109 tờ báo tại 76 quốc gia đồng loạt cho đăng tải những thông tin lấy được từ các hồ sơ của công ty luật lớn thứ tư thế giới - Mossack Fonseca (có trụ sở tại Panama) về hoạt động trốn thuế, rửa tiền, cuộc sống tại nhiều nước bắt đầu rung chuyển bởi cơn địa chấn mang tên "Hồ sơ Panama".

Xét trên nhiều phương diện, từ dung lượng thông tin đến nội dung và đối tượng liên quan,"Hồ sơ Panama" đã vượt lên tất cả để trở thành vụ rò rỉ thông tin lớn nhất từ trước tới nay.

 

Trong so sánh với những vụ rò rỉ thông tin nổi tiếng trước đó, với 11,5 triệu tài liệu liên quan tới 214.488 công ty, theo đánh giá của các chuyên gia thì "Hồ sơ Panama" có dung lượng thông tin nhiều gấp gần 2.000 lần so với "Nhật ký chiến tranh Afghanistan" của Wikileaks (tháng 7-2010) về những bí mật ngoại giao của Mỹ, và gần 20 nghìn lần "Hồ sơ Lầu năm góc" về chiến tranh Việt Nam của tờ New York Times (năm 1971).

 

Thông thường thì các vụ rò rỉ thông tin đều chỉ liên quan tới một số lượng đối tượng hạn chế, đơn cử như "Hồ sơ Lầu năm góc", "Nhật ký chiến tranh Afghanistan" hay vụ tiết lộ của E. Snowden chủ yếu liên quan tới chính phủ Mỹ. Trong khi đó, liên quan tới "Hồ sơ Panama" có tới 14.153 khách hàng – công dân của 202 quốc gia, trong đó có 143 chính trị gia, đặc biệt có 12 nguyên thủ quốc gia (6 trong số đó đang đương nhiệm).

 

Sức nặng của "Hồ sơ Panama", hiện đang được giới báo chí ví như “một quả bom truyền thông có sức công phá toàn cầu”, còn bởi nội dung của những cáo buộc liên quan tới hoạt động trốn thuế, rửa tiền. Điều này cũng hết sức dễ hiểu, bởi "Hồ sơ Panama" được công bố đúng vào thời điểm mà hầu hết các nước đều đang gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài. Trong khi đó, theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), số tiền “đen” cất giấu ở khoảng 100 “thiên đường trốn thuế”, như Panama, Thụy Sĩ, Luxembourg, Tiểu bang Delaware (Mỹ) v.v., có thể vào khoảng 21.000 tỷ đến 32.000 tỷ USD, tương đương gần ½ GDP toàn cầu. Đơn cử như trường hợp của EU, trong cuộc họp ngày 12-4-2016, các nhà lãnh đạo EU thông báo: "Hoạt động trốn thuế khiến EU thất thu khoảng 70 tỷ euro/năm". Hơn nữa, mặc dù từ lâu, ngăn chặn hoạt động trốn thuế, rửa tiền luôn được các chính phủ tuyên bố là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, nhưng “Hồ sơ Panama" cho thấy, kết quả thu được vẫn còn rất thấp, và vì thế “Hồ sơ Panama" chắc chắn sẽ khiến mâu thuẫn giữa người dân với chính phủ, nhất là những chính phủ có liên quan tới tài liệu này, bùng phát.

 

Trên thực tế, đúng là sau khi phát nổ, ngay lập tức quả bom "Hồ sơ Panama" đã tạo ra những hiệu ứng đầu tiên. Người dân tại một số nước đã xuống đường biểu tình phản đối, và kết quả là một số nhân vật đầu tiên đã phải tuyên bố từ chức, như Thủ tướng Iceland David Gunnlaugsson, Bộ trưởng Công nghiệp Tây Ban Nha Jose Manuel Soria, Ủy viên hội đồng quản trị Ngân hàng ABN Amro (một trong những ngân hàng lớn nhất của Hà Lan và châu Âu) Bert Meestadt, Giám đốc điều hành Ngân hàng Hypo Landesbank Vorarlberg (Áo) Michael Grahammer v.v. Để tránh hiểu lầm, một số nhà lãnh đạo như Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Medvedev đã phải cho công khai thu nhập. Cũng giống như quyết định của EU đưa ra trong cuộc họp ngày 12-4-2016, trong cuộc họp báo ngày 6-5-2016, Tổng thống Mỹ B. Obama tuyên bố: “Trong thời gian còn lại ở Nhà Trắng, tôi sẽ nỗ lực để thông qua một đạo luật nhằm chống tình trạng trốn thuế”.

 

Nhưng nếu chỉ dừng lại ở mức độ gây nên những xáo trộn xã hội như trên, hay tạo ra những cáo buộc theo kiểu “thuyết âm mưu” giữa một số nước, “Hồ sơ Panama” rất có thể sẽ lại có chung một số phận của một vụ scandal ầm ĩ, giống như các vụ rò rỉ thông tin trước đó. Đơn cử như sau khi Wikileaks cho đăng tải các thông tin về hoạt động của ngành ngoại giao Mỹ, đã chẳng có thêm những cuộc điều tra, điều trần nào tại Mỹ, bản thân ông chủ của Wikileaks Julian Assange thì đang phải lánh nạn trong Đại sứ quán Ecuado tại Anh. Sự lo lắng này là hoàn toàn có lý do, bởi từ trước tới giờ hoạt động trốn thuế, rửa tiền vẫn luôn gắn liền với giới giàu có, từ các ông chủ các tập đoàn tới các quan chức, từ những ngôi sao thể thao, điện ảnh nổi tiếng tới các ông trùm maphia v.v., tức là toàn những người không thiếu nguồn lực có thể khiến “Hồ sơ Panama” mau chóng bị sếp vào tủ hồ sơ lưu trữ. Cũng chính vì lẽ này mà những tài liệu kiểu “Hồ sơ Panama” luôn bị xếp vào danh mục “thông tin nhạy cảm”, và nó khiến cho cuộc chiến chống loại hình tội phạm này gặp rất nhiều khó khăn.

 

Tuy nhiên, có vẻ ICIJ đã rút ra được bài học đắt giá từ lịch sử. Một bước đột phá lớn đã được giới truyền thông quốc tế tạo ra trong quá trình xử lý “Hồ sơ Panama”, điều này được thể hiện trên hai khía cạnh:

 

Thứ nhất, đó là việc xuất hiện một nỗ lực hợp tác truyền thông với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử. Để lý giải cho bước đột phá này, người ta có thể viện dẫn là do tính chất nguy hiểm của vụ việc, cũng như do những dữ liệu rò rỉ có liên hệ tới các công ty, tổ chức, cá nhân tại hàng loạt quốc gia khác nhau nên cần đến một nhóm phóng viên, hãng thông tấn, báo chí lớn, đa dạng về thành phần đồng thời có kiến thức địa phương. Nhưng rõ ràng đây là điều chưa từng có tiền lệ, bởi từ trước tới giờ, độc quyền thông tin chính là nguồn sống quan trọng nhất của bất cứ một hãng thông tấn báo chí nào, và nếu có hợp tác thì cùng lắm cũng chỉ là giữa một vài hãng truyền thông mà thôi. Việc những tờ báo lớn nhất của Mỹ như New York Times, Wall Street Journal và Washington Post đã không tham gia dự án “Hồ sơ Panama” là minh chứng rõ ràng cho sự tiếp tục tồn tại của nếp sống cũ kỹ này. Chính vì thế, việc tờ Sueddeutsche Zeitung của Đức đã chấp nhận chia sẻ thông tin độc quyền về Mossack Fonseca với rất nhiều hãng truyền thông khác thực sự đã làm đảo lộn những quy chuẩn truyền thống của giới truyền thông.

 

Thứ hai, đó là cách thức công khai “Hồ sơ Panama” của ICIJ. Ngay từ thời điểm công bố (ngày 3-4-2016) trên các trang báo cho đến rạng sáng ngày 10-5-2016, khi đưa “Hồ sơ Panama” lên trang mạng tại địa chỉ offshoreleaks.icij.org, cách làm của ICIJ hoàn toàn trái ngược với các vụ rò rỉ thông tin trước đó. Đơn cử như trong vụ Wikileaks, mọi tài liệu có được, kể cả những thông tin cá nhân, đều được Wikileaks đưa lên trang web cho tất cả cùng đọc. Marina Walker Guevara – Phó Giám đốc ICIJ công bố: "Chúng tôi sẽ không công bố kèm thông tin cá nhân. Phần lớn tài liệu sẽ được giữ bí mật, để các phóng viên tiếp tục tìm hiểu. Chúng tôi cho rằng số tài liệu này được gửi đến ICIJ là vì chúng tôi có thể duy trì sự cẩn trọng, chính xác của báo chí". Cũng cần nhấn mạnh thêm tính đặc biệt trong cách làm việc của ICIJ với “Hồ sơ Panama”, trong suốt hai năm (kể từ năm 2014 khi Sueddeutsche Zeitung có được thông tin về Mossack Fonseca), tuy có sự tham gia của hàng trăm nhà báo trên toàn thế giới nhưng “Hồ sơ Panama” được bảo mật tới giờ phút cuối cùng, và chỉ những thông tin đã qua xử lý mới được công bố.

 

Sẽ có không ít cách lý giải về sự nảy sinh bước đột phá này, nhưng có lẽ khẳng định của Giám đốc ICIJ Gerard Ryle: "Chúng tôi không phải WikiLeaks. Chúng tôi đang cố gắng để mọi người thấy rằng báo chí đang hành động có trách nhiệm", là cách giải thích rõ ràng hơn cả.

 

Chính cách tiếp cận hoàn toàn mới này của các nhà báo về cách giải quyết vấn nạn trốn thuế, rửa tiền trong “Hồ sơ Panana” – một trong những vấn đề có tính toàn cầu, đã làm nên tầm vóc thực sự của vụ “Hồ sơ Panama”.