Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đang diễn ra ở Nhật Bản, ngày 27/5, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã lên tiếng kêu gọi các nước đã tham gia ký kết cùng phê chuẩn Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu để văn bản này có hiệu lực sớm nhất có thể.
Phát biểu tại một phiên họp của G7 bàn về các mục tiêu phát triển bền vững ở Ise-Shima (Nhật Bản), Tổng thư ký Ban Ki-moon nêu rõ: “Thỏa thuận Paris được kết luận vào tháng 12 năm ngoái sau hơn 20 năm đàm phán. Đại diện của 175 quốc gia đã nhóm họp tại New York ngày 22/4 năm nay để ký kết thỏa thuận này. Chưa bao giờ có nhiều quốc gia ký kết vào một hiệp ước trong một ngày như vậy”.
Các nhà lãnh đạo thế giới đã thể hiện cam kết ngoạn mục để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. 18 quốc gia đã chấp nhận hoặc phê chuẩn hiệp ước trong hội đồng quốc gia của họ. Mục tiêu là 55 quốc gia, đại diện cho ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, sẽ phê chuẩn trước ngày 31/12/2016.
"Theo những gì tôi hiểu, 42 quốc gia đại diện cho 49% lượng khí thải có kế hoạch phê chuẩn thỏa thuận vào cuối năm nay. Tôi kêu gọi tất cả các nước G7 và tất cả nhà lãnh đạo các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu làm hết sức mình để phê chuẩn hiệp ước càng sớm càng tốt. Bằng cách này, sự năng động của việc thực hiện sẽ được duy trì" – ông Ban Ki-moon nhấn mạnh.
Thỏa thuận Paris được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris (Pháp) hồi tháng 12 năm ngoái.
Các quốc gia tham gia nhất trí kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng những năm 1850). Thỏa thuận cũng đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, về Hội nghị thượng đỉnh Nhân đạo thế giới gần đây diễn ra tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc cho rằng hội nghị lần này chính là "một bước tiến lớn trong suy nghĩ và hành động tập thể của chúng ta liên quan đến các cuộc khủng hoảng nhân đạo".
Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng bày tỏ tin tưởng vào các nước giàu và mạnh (trong đó có cả G7) theo gương của Thủ tướng Đức Angela Merkel và hỗ trợ Chương trình nhân đạo của Liên hợp quốc quốc, đầu tư nhiều hơn cho việc ngăn ngừa xung đột và xây dựng khả năng phục hồi.
Về vấn đề người tị nạn và di cư, Tổng thư ký một lần nữa nhấn mạnh rằng Liên hợp quốc sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về di cư vào ngày 19/9 tới đây tại New York. Ông cũng bày tỏ hy vọng các nhà lãnh đạo G7 sẽ tham gia vào cuộc gặp lần này./.