Nguy cơ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã bao trùm Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) tại Nhật Bản, kết thúc hôm 21-5.
Thông cáo của hội nghị nhấn mạnh việc Anh rời châu Âu sẽ là một "cú sốc" đối với kinh tế toàn cầu.
Thông cáo chung nêu rõ trong bối cảnh "bất ổn toàn cầu gia tăng, với các xung đột địa chính trị, nạn khủng bố và các làn sóng di dân quy mô lớn", cú sốc của viễn cảnh Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) làm tình hình kinh tế thế giới thêm phức tạp".
Bộ trưởng Tài chính Anh Georges Osborne cũng cảnh báo trong trường hợp Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), Anh sẽ hết sức khó khăn trong việc thương lượng lại một Hiệp định Thương mại mới với châu Âu, cũng như với hàng chục quốc gia ngoài châu Âu có ràng buộc với Liên minh châu Âu thông qua một thỏa thuận.
Theo ông Osborne, việc rời khỏi Liên minh châu Âu cũng khiến các hộ gia đình Anh nghèo đi: “Các biện pháp can thiệp từ vài tuần qua từ QuỹTiền tệ Quốc tế đối với Ngân hàng trung ương Anh cho thấy, không còn nghi ngờ gì nữa về những hậu quả về kinh tế của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Các gia đình tại Anh là những người phải gánh chịu khi mỗi hộ gia đình sẽ bị thiệt hại 4.300 bảng Anh. Rời liên minh châu Âu sẽ khiến nước Anh nghèo đi”.
Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin khẳng định các quốc gia G7 hoàn toàn thống nhất trong việc muốn Anh ở lại Liên minh châu Âu. Ông Sapin cho biết thêm, G7 đã không thảo luận về phương án B để đối phó với các hậu quả của viễn cảnh nước Anh rời Liên minh châu Âu, mà chỉ bàn về cách giúp Anh ở lại.
Cho dù nhất loạt khẳng định sự ủng hộ với Chính phủ Anh, 6 quốc gia còn lại của khối G7 cũng không làm gì nhiều để Anh ở lại.
Theo Bộ trưởng Tài chính Canada Bill Morneau, các nước thành viên G7 "rõ ràng là rất lo ngại về nguy cơ Brexit... nhưng không có biện pháp đặc biệt nào được bàn thảo.
Ông Morneau nói: "Chúng tôi không bàn về các biện pháp cụ thể để giúp Anh ở lại Liên minh châu Âu. Còn về phía Canada, quan điểm của chúng tôi là nước Anh sẽ mạnh hơn khi Anh là thành viên của Liên minh châu Âu. Điều đó tốt hơn cho Liên minh châu Âu, tốt hơn cho Canada khi chúng tôi là một đối tác thương mại của Anh”
Trước đó, ngày 20-5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã cảnh báo rằng, nước nào ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải chấp nhận việc bị coi là đứng ngoài cuộc. Đây được coi là lời cảnh báo mạnh mẽ nhất từ quan chức cấp cao Liên minh châu Âu này trước cuộc trưng cầu dân ý vào tháng tới ở Anh về việc ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).
Tuyên bố cứng rắn trên của ông Giăng-cơ được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thuyết phục Anh ở lại Liên minh châu Âu nhân chuyến thăm nước này hồi tháng trước. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Trung ương Anh cũng cảnh báo những nguy cơ kinh tế nếu Anh rời Liên minh châu Âu.
Các cuộc thăm dò dư luận do Viện IPSOS-MORI của Anh công bố hôm 20/5 cho thấy, phe ủng hộ Anh ở lại chiếm 55% so với 37% phản đối. Tỷ lệ ủng hộ như vậy đã tăng vọt trong thời gian gần đây, cho thấy chiến dịch vận động của Thủ tướng Anh David Cameron dường như đã mang lại kết quả.
Theo kế hoạch, ngày 23-6, người dân Anh sẽ bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về việc ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu. Quyết định đó sẽ dẫn tới những hệ quả lâu dài về kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng và ngoại giao của quốc gia này./.