Đây là số liệu được Liên Hợp Quốc đính chính ngày 8-6 trong bối cảnh quân đội Iraq tiếp tục thắt chặt vòng vây, đẩy mạnh tấn công Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Fallujah (Iraq).
Fallujah chỉ cách thủ đô Baghdad của Iraq khoảng 50 km về phía Tây nhưng thành phố này đã rơi vào tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng từ tháng 1/2014 và nửa năm nay không có bất cứ nhu yếu phẩm nào đến được khu vực này. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về tình trạng thiếu nước uống, thực phẩm và các dịch vụ y tế cần thiết ở đây.
Nhiều người đã cố gắng trốn chạy khỏi Fallujah. Dựa vào câu chuyện một số nhân chứng tường thuật lại, ước tính số dân thường mắc kẹt tại Fallujah có thể lên đến 90.000 người. Theo Liên Hợp Quốc, những người này đang bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng sử dụng làm lá chắn sống.
Chị Hanaa Mahdi Fayadh, 23 tuổi, đến từ vùng ngoại ô Fallujah cho biết: “Chúng gõ cửa từng nhà và khi biết có gia đình nào ở đó thì sẽ đưa họ đến Fallujah. Nếu ai không đi theo, chúng dọa sẽ chặt đầu”.
Cũng theo những nhân chứng này, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng đang sử dụng thực phẩm để chiêu mộ thêm các tay súng có người thân bị đói.
Bà Um Sattar, 50 tuổi nói: “Chúng nói với hàng xóm của chúng tôi rằng sẽ cho một bao bột mỳ nếu con trai anh ta gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Anh ấy từ chối và khi chúng rời đi, anh ấy cùng gia đình bỏ trốn”.
Trong khi các tổ chức nhân đạo không thể tiếp cận được dân thường ở Fallujah, công tác cứu trợ những người thoát khỏi vùng chiến sự này cũng gặp nhiều khó khăn.
Phát biểu trong một chuyến thăm khu trại tạm trú ở thủ đô Baghdad dành cho những người lưu lạc vì giao tranh, Điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp Quốc tại Iraq, Lise Grande đã kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ khẩn cấp cho chiến dịch giúp đỡ hơn 7 triệu người tại quốc gia chìm trong chiến tranh và bất ổn này.
“Chúng tôi không còn thêm nguồn quỹ nào trong khi chúng tôi biết có đến 90.000 người đang tìm cách tiếp cận chúng tôi. Nhưng khả năng hỗ trợ họ lại phụ thuộc vào sự hào phóng của cộng đồng quốc tế. Với chúng tôi, không có lý nào chúng ta đầu tư nhiều tiền đến thế để đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng trên mặt trận quân sự mà lại không đầu tư cho con người, những ai đang là nạn nhân của nhóm khủng bố này. Chúng tôi mong cộng đồng quốc tế đoàn kết với người dân Iraq và đứng lên giúp đỡ họ”, Điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp Quốc tại Iraq, Lise Grande cho biết thêm.
Bên cạnh đó, Liên Hợp Quốc cũng bày tỏ quan ngại về việc một số nhóm vũ trang liên minh với quân đội chính phủ đã lạm dụng nam thanh thiếu niên và những người đàn ông trưởng thành vừa trốn thoát khỏi Fallujah.
Theo người phát ngôn Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền (OHCHR) Rupert Colville, một số người đã bị đánh đập và tra hỏi phi pháp hoặc bị ép cung để nhận rằng họ là thành viên của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Ông Colville cho biết: “Chúng tôi kêu gọi chính phủ Iraq và giới chức quân sự tạo sức ép với các nhóm vũ trang đang hợp tác với họ phải tuân thủ pháp luật, nghĩa là nhanh chóng giao lại những người khả nghi cho cơ quan chức năng phù hợp. Chúng ta không thể mặc định rằng cứ ai là đàn ông và đã ở Fallujah trong suốt 2 năm rưỡi qua thì anh ta là người của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng”.
Trong cuộc chiến giành lại Fallujah, chính phủ Iraq rất cần sự trợ giúp của các nhóm vũ trang Hồi giáo dòng Shi'ite. Mới đây, liên minh này đã tuyên bố giải phóng được một số thị trấn quanh khu vực Fallujah và tiếp tục bao vây đối với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhân quyền lo ngại rằng vòng vây càng xiết chặt thì chiếc “thòng lọng” mà IS quàng quanh cổ dân thường đang mắc kẹt ở khu vực này cũng càng thắt chặt hơn./.