Đối thoại Shangri-La lần thứ 15: Căng thẳng Biển Đông "phủ bóng"

09:09, 04/06/2016

Ngày 3-6, Đối thoại Shangri-La lần thứ 15 đã chính thức khai mạc tại Singapore, quy tụ hơn 20 Bộ trưởng Quốc phòng, các quan chức cũng như đông đảo giới học giả trên thế giới.

Bên cạnh những vấn đề được quan tâm như căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên liên quan đến việc Bình Nhưỡng thử hạt nhân, mối đe dọa từ các nhóm phiến quân cực đoan tại Đông Nam Á, tình hình an ninh mạng… diễn đàn an ninh quan trọng hàng đầu của Châu Á dự kiến sẽ tập trung thảo luận những tranh chấp và căng thẳng trên Biển Đông.

 

Shangri-La 15 diễn ra vào thời điểm Tòa trọng tài Thường trực (PCA) sắp đưa ra phán quyết pháp lý mang tính bước ngoặt liên quan tới vụ kiện Trung Quốc về "đường lưỡi bò" trên Biển Đông do Philippines khởi xướng. Vậy nên, theo nhận định của giới phân tích, diễn đàn lần này được xem như cơ hội để Mỹ, Philippines, Trung Quốc thể hiện rõ lập trường quan điểm. Hiện tại, dư luận thế giới đang dồn sự chú ý vào "nhất cử, nhất động" của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tại Shangri-La 15. Đáng chú ý, ngay trong buổi sáng trước khi Diễn đàn khai mạc, "ông chủ" Lầu Năm Góc và người đồng nhiệm Singapore Ng Eng Hen đã có chuyến bay thị sát ngoài Biển Đông trên máy bay do thám P-8 của Mỹ. Hành động này được cho là câu trả lời cho việc Trung Quốc "tung tin" chuẩn bị thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Tuần trước, ông Carter cũng đã cảnh báo Trung Quốc có nguy cơ tạo ra một "Vạn lý trường thành tự cô lập" thông qua các động thái khiêu khích các quốc gia láng giềng và bồi đắp đảo trái pháp luật quốc tế trên Biển Đông.

 

Ngoài ra, giới quan sát và truyền thông cũng đặc biệt quan tâm tới quan điểm của các thành viên ASEAN về Biển Đông ở Shangri-La lần này. Gần đây, ASEAN đã có sự gắn kết và cùng nhận thấy những nguy cơ từ sự bất ổn trên Biển Đông. Tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng lần thứ 10 (ADMM 10) ở Vientiane (Lào), các bên đã ra Tuyên bố chung khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định cũng như tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông theo các nguyên tắc đã được luật pháp quốc tế công nhận, như Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế rằng, những lợi ích riêng rẽ của từng thành viên đối với Trung Quốc khiến ASEAN cần nhiều nỗ lực hơn để cùng đối phó với những đòi hỏi phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.

 

Trong khi đó, kể từ Shangri-La năm 2015, Trung Quốc tiếp tục gia tăng hàng loạt động thái nhằm thay đổi hiện trạng Biển Đông như hoàn thành việc xây dựng các đảo nhân tạo ở khu vực Trường Sa, triển khai các dự án quân sự gây quan ngại cho các quốc gia trong khu vực. Điều này tiềm ẩn những nguy cơ có thể dẫn tới những va chạm, xung đột quân sự. Vì các tuyến đường hàng hải trên Biển Đông lâu nay vẫn được xem như huyết mạch giao thương kinh tế quan trọng.

 

Vị trí chiến lược ngay tại cửa ngõ Đông Nam Á cũng khiến vùng biển này nắm giữ vai trò trọng yếu không chỉ đối với hòa bình và an ninh khu vực mà còn trên toàn thế giới. Nhìn ở một khía cạnh khác, Biển Đông còn là một mắt xích trọng yếu trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa một bên là Mỹ cùng các nước đồng minh và một bên là Trung Quốc tại Châu Á - Thái Bình Dương. Điều này tác động không nhỏ đến các mối quan hệ song phương và đa phương trong khu vực, đặc biệt là việc cả Washington và Bắc Kinh đều đang theo đuổi những tầm nhìn chiến lược riêng đối với khu vực này.

 

Trong báo cáo nghiên cứu được công bố ngày 2-6, Cơ quan cố vấn an ninh HIS Janes's cho biết, căng thẳng trên Biển Đông sẽ đẩy chi tiêu quốc phòng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lên gần 25% vào năm 2020, tương đương khoảng 533 tỷ USD, so với năm 2015. Trong bối cảnh như vậy, các quốc gia sẽ đối mặt với rất nhiều nguy cơ an ninh. Đáng lo ngại nhất là sự suy giảm về lòng tin sẽ ngăn cản các bên cùng theo đuổi mục đích chung, khiến khả năng hợp tác, hóa giải các xung đột rơi vào bế tắc.