Ngày 27/6, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Jan Eliasson đặc biệt hoan nghênh những bước tiến gần đây đạt được trong các kế hoạch pháp lý về bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, đặc biệt sau khi thông qua Kế hoạch phát triển bền vững vào năm 2030.
Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị thường niên lần thứ 40 của Trung tâm Luật và Chính sách Đại dương, tại New York, ông Eliasson nêu rõ: “Các đại dương đang ở vị trí tốt trong Chương trình phát triển bền vững vào năm 2030. Mục tiêu số 14 được dành riêng cho bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển”.
Trung tâm Luật và Chính sách Đại dương tập trung nghiên cứu các vấn đề pháp lý và chính sách công liên quan tới các đại dương.
Ngoài ra, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc nói thêm rằng 335 triệu km2 nước trên bề mặt của hành tinh chúng ta phải đóng một vai trò cơ bản trong việc đáp ứng những thách thức của xóa đói giảm nghèo và cung cấp các nguồn năng lượng xanh cho cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Cụ thể, các đại dương giúp điều hòa khí hậu, cung cấp tài nguyên thiên nhiên, thực phẩm giàu dinh dưỡng và tạo việc làm cho hàng tỷ người.
Tuy nhiên, con người đang gây tác động xấu tới đại dương, khiến nhiều loài sinh vật biển có nguy cơ tiệt chủng do tình trạng biến đổi khí hậu khiến đại dương ấm lên và nạn đánh bắt cá bừa bãi.
Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, trước tiên, tất cả các quốc gia cần nhận thức rõ về tầm quan trọng của các đại dương trong Chương trình phát triển bền vững, đồng thời nhấn mạnh đây là thời điểm để chúng ta cùng xem xét mối liên hệ giữa các quy định của pháp luật và các mục tiêu phát triển bền vững.
Tiếp theo đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ thông qua đánh giá tổng hợp toàn cầu đầu tiên về môi trường biển: tài liệu cuối cùng của chu kỳ đầu tiên của Cơ chế thông báo và đánh giá một cách hệ thống ở quy mô toàn cầu về tình trạng môi trường biển. Phó Tổng thư ký cũng hoan nghênh thực tế rằng tài liệu này sẽ cung cấp "một cơ sở vững chắc và khoa học" để đưa ra những quyết định toàn cầu về các đại dương.
Thêm vào đó, "một bước quan trọng thứ ba là triệu tập phiên họp đầu tiên của Ủy ban trù bị phụ trách xây dựng một công cụ quốc tế mang tính pháp lý bắt buộc về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại các khu vực không thuộc thẩm quyền quốc gia" – ông Eliasson nêu rõ.
Phó Tổng thư ký nhấn mạnh rằng những phát triển tích cực này cho thấy tầm quan trọng của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển và các thỏa thuận áp dụng. "Tôi tin rằng hội nghị thường niên này sẽ cung cấp cho những người tham gia cơ hội để thúc đẩy các mục tiêu của Công ước, cụ thể là việc sử dụng hòa bình các đại dương, việc sử dụng công bằng và bảo tồn các nguồn tài nguyên, và nghiên cứu, bảo vệ và bảo tồn môi trường biển" – ông Eliasson nhấn mạnh./.