Tòa Trọng tài ra phán quyết cuối cùng về vụ Phi-li-pin kiện Trung Quốc liên quan tranh chấp ở Biển Đông

08:04, 13/07/2016

Theo TTXVN và Bộ Ngoại giao Việt Nam, chiều 12-7 (theo giờ Việt Nam), Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), sau đây gọi là Tòa Trọng tài, trên cơ sở đề nghị của Phi-li-pin đã đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ Phi-li-pin kiện Trung Quốc liên quan tranh chấp ở Biển Đông.

Phán quyết của Tòa Trọng tài khẳng định, yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường chín đoạn" là trái với UNCLOS; Trung Quốc không có "tư cách lịch sử" đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong "đường chín đoạn". Theo Tòa Trọng tài, không một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa tạo cho Trung Quốc quyền có vùng đặc quyền kinh tế. Trung Quốc không có quyền hạn đối với vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý của bãi Mischief (Vành Khăn) hay bãi Thomas (Cỏ Mây). Tòa Trọng tài cũng khẳng định, thực thể Itu Aba (Ba Bình) thuộc quần đảo Trường Sa là "bãi đá", nên không có vùng đặc quyền kinh tế. Tòa Trọng tài cho rằng, Bắc Kinh đã làm tổn hại lâu dài và không thể bù đắp được hệ sinh thái san hô ở quần đảo

 

Trường Sa. Phán quyết của Tòa Trọng tài cũng nhấn mạnh, Trung Quốc đã can thiệp vào các quyền đánh bắt truyền thống của Phi-li-pin tại bãi Scarborough (Hoàng Nham) trên Biển Đông. Theo Tòa, những hành động của Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm những tranh chấp với Phi-li-pin trong lúc các bên đang nỗ lực để giải quyết vấn đề.

 

Ngày 22-1-2013, Phili-pin đã đệ đơn lên Tòa Trọng tài kiện yêu sách của Trung Quốc về quyền chủ quyền, quyền tài phán và "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường chín đoạn" trái với UNCLOS, vượt giới hạn mà Trung Quốc có thể đòi hỏi theo Công ước này.

 

* Sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết về vụ kiện của Phi-li-pin với Trung Quốc liên quan tranh chấp ở Biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Phi-li-pin P.Y-a-xay đã ra tuyên bố hoan nghênh phán quyết của Tòa, đồng thời kêu gọi các bên liên quan "kiềm chế và bình tĩnh". Bộ trưởng Y-a-xay nêu rõ, "Phi-li-pin khẳng định tôn trọng quyết định mang tính bước ngoặt này", coi đây như một đóng góp quan trọng vào các nỗ lực đang diễn ra nhằm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.

 

* Ngày 12-7, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS trên cơ sở đề nghị của Phili-pin đã đưa ra phán quyết cuối cùng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: “Việt Nam hoan nghênh việc Tòa Trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12-7. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết.

 

Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 5-12-2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa Trọng tài. Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

 

Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

 

* Cùng ngày, sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết về vụ kiện của Phi-li-pin với Trung Quốc liên quan tranh chấp ở Biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Ph. Ki-si-đa ra tuyên bố cho rằng, phán quyết của Tòa là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý, theo đó các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết này. Bộ trưởng Ki-si-đa nêu rõ, Nhật Bản kiên định ủng hộ việc tôn trọng quy định luật pháp và sử dụng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết các tranh chấp trên biển.

 

* Sau khi Tòa Trọng tài ở La Hay (Hà Lan) ra phán quyết về vụ kiện của Phi-li-pin với Trung Quốc liên quan tranh chấp ở Biển Đông, ngày 12-7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố khẳng định nước này không chấp nhận cũng như không công nhận phán quyết của Tòa, cho rằng phán quyết của Tòa là "không có cơ sở, vô giá trị và không có hiệu lực ràng buộc". Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ chủ quyền lãnh thổ cũng như các quyền và lợi ích hàng hải của nước này ở Biển Đông "sẽ không bị ảnh hưởng bởi phán quyết của Tòa". Tuyên bố khẳng định, Bắc Kinh sẽ "không bao giờ chấp nhận bất kỳ tuyên bố hoặc hành động nào dựa trên những phán quyết của Tòa".

 

* Ngày 12-7, sau khi Tòa Trọng tài ở La Hay (Hà Lan) ra phán quyết vụ Phi-li-pin kiện Trung Quốc liên quan tranh chấp ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố khẳng định phán quyết của Tòa là "đóng góp quan trọng đối với mục đích chung của giải pháp hòa bình" cho các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ G.Cơ-bi bày tỏ "hy vọng và mong muốn" các bên sẽ tuân thủ những nghĩa vụ đối với phán quyết có tính ràng buộc pháp lý về Biển Đông nói trên. Oasinh-tơn đồng thời hối thúc "tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền tránh những tuyên bố hoặc hành động khiêu khích" sau khi Tòa ra phán quyết này. Bên cạnh đó, Mỹ nhấn mạnh vẫn tiếp tục nghiên cứu về phán quyết trên của Tòa.

 

* Ngày 12-7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Đ.Tu-xcơ kêu gọi Trung Quốc tôn trọng hệ thống quốc tế trong bối cảnh nước này đang vướng vào những tranh chấp về chủ quyền biển đảo, cũng như các hoạt động thương mại toàn cầu. Phát biểu ý kiến tại Bắc Kinh nhân Hội nghị cấp cao EU - Trung Quốc lần thứ 18 tổ chức tại đây, ông Tu-xcơ kêu gọi Trung Quốc bảo vệ "trật tự quốc tế dựa trên quy định", cho rằng nhiệm vụ này "có lẽ là thách thức lớn nhất" đối với các nước. Ông Tu-xcơ đưa ra phát biểu nêu trên trước khi Tòa Trọng tài ở La Hay (Hà Lan) cùng ngày ra phán quyết về vụ kiện của Phi-li-pin với Trung Quốc liên quan tranh chấp ở Biển Đông. Đề cập vấn đề trên, ông Tu-xcơ nhấn mạnh "trật tự quốc tế dựa trên quy định đáp ứng lợi ích chung của chúng ta, vì vậy cả Trung Quốc và EU phải bảo vệ trật tự đó vì lợi ích của người dân".

 

* Ngay sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết về vụ Phi-li-pin kiện Trung Quốc liên quan tranh chấp ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Xin-ga-po (MFA) đã ra tuyên bố kêu gọi tất cả các bên tôn trọng đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao, kiềm chế và tránh tiến hành bất kỳ hoạt động có thể gây căng thẳng trong khu vực. Người phát ngôn MFA cho biết, Xin-ga-po ghi nhận phán quyết của Tòa theo Phụ lục VII của UNCLOS. MFA NHẤN MẠNH, Xin-ga-po ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp những nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, mà không cần sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.

 

* Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Thái-lan đã ra tuyên bố kêu gọi gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển bền vững Biển Đông. Trong tuyên bố được đưa ra vài giờ trước khi Tòa Trọng tài ra phán quyết, Bộ Ngoại giao Thái-lan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình và ổn định ở Đông - Nam Á và các khu vực chung quanh, cũng như việc khôi phục lòng tin giữa các quốc gia trong khu vực. Thái-lan cho rằng, vì mục tiêu cao nhất của tất cả các bên và vì lợi ích của người dân, phải bảo đảm Biển Đông là vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.

 

* Ấn Độ cũng đã có phản ứng đầu tiên về phán quyết của Tòa Trọng tài. Trên trang mạng của mình, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, Niu Đê-li đang nghiên cứu vấn đề này một cách cẩn thận.

 

* Ngày 12-7, Chủ tịch Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ G.Mắc-kên và Thượng nghị sĩ Đ.Xu-li-vân đã ra tuyên bố chung hoan nghênh phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ Phi-li-pin kiện Trung Quốc liên quan tranh chấp ở Biển Đông. Hai Thượng nghị sĩ khuyến khích tất cả các bên có tranh chấp ở Biển Đông nỗ lực giải quyết tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, thông qua các cơ chế trọng tài quốc tế và đàm phán.